Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong phiên làm việc sáng 9/5.
Một trong những nội dung được quan tâm và cho ý kiến nhiều nhất tại dự thảo luật sửa đổi lần này là việc mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có nước giải khát có đường.
Dự thảo luật nêu đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10%.
Theo lập luận, quy định này nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Các đại biểu dự kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).
Tại dự thảo luật sửa đổi mới nhất gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc để lấy ý kiến trước 5/5, cơ quan soạn thảo đã có chỉnh lý về lộ trình áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Cụ thể, từ năm 2027, mức thuế suất với mặt hàng này là 8% và từ năm 2028 là 10%.
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật này hồi giữa tháng 3, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết về thuế suất và mức thuế đối với nước giải khát có đường, một số ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế cao hơn. Trong khi đó, ý kiến khác đề nghị cần có lộ trình để doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính khi đó cho rằng nước giải khát có đường là mặt hàng mới được đề xuất bổ sung vào đối tượng chịu thuế, việc quy định thuế suất ở mức hợp lý là để từng bước hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có hàm lượng đường cao, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các loại nước giải khát có hàm lượng đường thấp.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc phương án lùi thời điểm áp thuế đối với sản phẩm này hoặc áp dụng theo lộ trình, bảo đảm thực hiện được mục tiêu chính sách song có linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Dù cơ quan soạn thảo xin giữ như dự thảo luật với lập luận quy định thuế suất 10% với nước giải khát có đường là hợp lý, nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có hàm lượng đường thấp cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, song Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi đó đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu thêm vì các hiệp hội, doanh nghiệp có nhiều ý kiến phản ánh.
Họ lo ngại tăng thuế đột ngột với rượu, bia và bổ sung nước giải khát có đường vào diện thu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giảm sức mua, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các doanh nghiệp mong có lộ trình tăng thuế phù hợp để khoan sức doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn.
Về thuế suất và mức thuế với thuốc lá, rượu bia, nước giải khát có đường, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải hết sức lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tính toán lộ trình tăng thuế suất phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp.
Ngoài nước giải khát có đường, rượu, bia và thuốc lá cũng là những mặt hàng dự kiến phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, với rượu trên 20 độ và bia, mức thuế suất được đề xuất tăng theo từng năm, mỗi năm tăng 5%. Cụ thể, từ năm 2027 đến 2031, mức thuế suất cho mặt hàng này sẽ tăng từ 70% đến 90%.
Tuy nhiên, những quy định trên cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều và việc này sẽ tiếp tục được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự để làm cơ sở xem xét, thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại kỳ họp thứ 9.