Quy trình định giá sáng chế

Quy trình định giá sáng chế

bởi

trong
Quy trình định giá sáng chế

Chúng tôi là một nhóm nghiên cứu khởi nghiệp, đã phát triển một sáng chế tiềm năng từ kết quả của một đề tài/dự án được đầu tư công. Hiện tại, chúng tôi nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư muốn thương mại hóa sáng chế này. Chúng tôi trân trọng đề nghị Bộ trưởng làm rõ về quy trình định giá đối với các sáng chế có nguồn gốc từ đầu tư công, cụ thể:

– Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm định giá sáng chế trong trường hợp này?

– Phương pháp định giá sẽ được áp dụng như thế nào, và tỷ lệ phân chia lợi nhuận dự kiến giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhóm tác giả là bao nhiêu?

– Thời gian ước tính để hoàn thành quá trình định giá này là bao lâu?

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và giải đáp của Bộ trưởng.

Trả lời:

Trước hết do nhóm khởi nghiệp không nói rõ “sáng chế có nguồn gốc đầu tư công” trong trường hợp này là sáng chế được tạo ra từ ngân sách nhà nước hay sáng chế không được tạo ra từ ngân sách nhà nước mà chỉ có nguồn gốc từ nghiên cứu khoa học được thực hiện bằng ngân sách nhà nước.

Trong trường hợp: Sáng chế được tạo ra từ ngân sách nhà nước

1. Cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định giá sáng chế:

Căn cứ Thông tư 10/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 20/02/2019 hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước, tại Điều 3 khoản 1 quy định: “Cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thẩm quyền xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản xem xét, quyết định. Cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quyền thuê doanh nghiệp thẩm định giá hoặc tổ chức có chức năng tư vấn về giá có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện thẩm định giá, tư vấn cho việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.

2. Về phương pháp định giá và tỷ lệ phân chia lợi nhuận dự kiến giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhóm tác giả:

Về phương pháp định giá: Thông tư 10/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 20/02/2019 hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước, tại Điều 3 khoản 2 quy định “Phương pháp thẩm định giá sáng chế được áp dụng theo quy định tại Điều 7, 8, 9 và 10 của Thông tư. Cụ thể: Điều 7 quy định việc xác định giá trị sáng chế dựa trên kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Điều 8, 9, 10 quy định việc xác định giá trị sáng chế lần lượt theo cách tiếp cận từ chi phí, tiếp cận từ thị trường và tiếp cận từ thu nhập.

– Về tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhóm tác giả:

+ Nếu sáng chế chưa được cấp văn bằng bảo hộ thì việc phân chia lợi nhuận giữa cơ quan quản lý và nhóm tác giả được thực hiện theo quy định tại Điều 43.1 Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi “1. Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30% và phần lợi nhuận còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì…”

+ Nếu sáng chế được cấp bằng độc quyền sáng chế thì việc phân chia lợi nhuận giữa cơ quan quản lý và nhóm tác giả được thực hiện theo quy định tại Điều 135.2 Luật Sở hữu trí tuệ: “Đối với sáng chế… là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ sở hữu trả thù lao cho tác giả theo quy định sau đây: a) Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế …; b) Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế … trước khi nộp thuế theo quy định“.

Trong trường hợp: Sáng chế không được tạo ra từ ngân sách nhà nước mà chỉ có nguồn gốc từ nghiên cứu khoa học được thực hiện bằng ngân sách nhà nước.

Việc thẩm định giá sáng chế được thực hiện căn cứ vào Luật giá sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành (gồm các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật giá và hệ thống các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam). Theo đó: Việc thẩm định giá sáng chế do doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thực hiện. Việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá do người có nhu cầu thẩm định giá quyết định.

3. Về thời gian ước tính để hoàn thành quá trình thẩm định giá sáng chế:

Căn cứ Điều 40, khoản 2 Luật giá sửa đổi, bổ sung quy định: Hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện, được giao kết bằng hợp đồng dân sự. Theo đó, với cả hai trường hợp nói trên, việc thực hiện thẩm định giá sáng chế đều thực hiện dựa trên việc giao kết hợp đồng dân sự. Điều này nghĩa là, thời hạn thẩm định giá sáng chế do người có nhu cầu thẩm định giá và người cung cấp dịch vụ thẩm định giá tự thỏa thuận bằng điều khoản ghi nhận trong hợp đồng.

Tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Đánh giá Khoa học và Định giá công nghệ có chức năng đánh giá khoa học và định giá công nghệ triển khai hoạt động dịch vụ tư vấn tương tự, thông thường ước tính từ 15-45 ngày tùy theo mức độ phức tạp của sáng chế (liên quan đến các ngành/lĩnh vực công nghệ) và thời gian phản hồi thông tin của các đối tượng liên quan.

Bộ Khoa học và Công nghệ