
Phác họa về Astraspis và bọ cạp biển Megalograptus, hai loài đều có bộ xương ngoài có mô cảm giác – Ảnh: BRIAN ENGH
Bên trong lớp men răng bao phủ răng là ngà răng – có chức năng truyền truyền thông tin cảm giác đến các dây thần kinh, giúp chúng ta cảm thấy tác động khi cắn quá mạnh, những cơn đau, hay những thay đổi như quá lạnh hay quá ngọt.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cách mô cảm giác được phát hiện trên bộ xương ngoài của loài ‘cá cổ đại’ có liên quan đến ‘bộ công cụ di truyền’ tạo nên răng người, theo trang LiveScience ngày 22-5.
“Điều này cho chúng ta thấy rằng ‘răng’ có thể cảm nhận được ngay cả khi chúng không nằm trong miệng”, đồng tác giả nghiên cứu Yara Haridy, nhà cổ sinh vật học và sinh học tiến hóa tại Đại học Chicago (Mỹ), cho biết.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu tìm ra động vật có xương sống lâu đời nhất trong hồ sơ hóa thạch, tìm kiếm các mẫu vật từ kỷ Cambri và kỷ Phấn trắng (541 triệu – 443 triệu năm trước). Một dấu hiệu đặc trưng của động vật có xương sống là các ống bên trong của ngà răng.
Khi dùng máy quét CT độ phân giải cao để nghiên cứu loài “cá đầu tiên” không hàm Anatolepis heintzi, nhóm nghiên cứu phát hiện thứ trông như các lỗ chân lông chứa đầy ngà răng.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, nhóm nhận ra các lỗ chân lông chứa ngà răng thực chất giống các cơ quan cảm giác trên vỏ cua hơn. Do đó, Anatolepis heintzi là một loài chân đốt không xương sống cổ đại chứ không phải một loài cá có xương sống.
Việc làm sáng tỏ nhầm lẫn về phân loại của Anatolepis heintzi đã dẫn đến một hiểu biết mới quan trọng: các động vật có xương sống cổ đại như cá và các động vật chân đốt cổ đại đã tạo ra cùng một mô khoáng hóa giúp chúng cảm nhận được môi trường của chúng.
Cuối cùng, những mô khoáng hóa đã tiến hóa thành ngà răng và là một phần quan trọng trong những chiếc răng nhạy cảm của con người.
Nghiên cứu mới ủng hộ ý tưởng các mô cảm giác đã tiến hóa trên bộ xương ngoài của động vật chân đốt ít nhất 460 triệu năm trước, và sau đó trong lịch sử tiến hóa, các động vật đã sử dụng cùng “bộ công cụ di truyền” này để tạo ra răng.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature.