Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu

bởi

trong
Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu là tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra lo lắng hoặc sợ hãi, thường không giảm, thậm chí có thể trở nên trầm trọng theo thời gian.

Định nghĩa

Hầu như mọi người đều đôi khi cảm thấy lo lắng nhưng với người mắc chứng rối loạn lo âu, sự lo lắng có xu hướng dai dẳng và có tác động rất tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng

Rối loạn lo âu đi kèm với rất nhiều triệu chứng và mỗi trường hợp thường có các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng phổ biến nói chung bao gồm:

  • Khó ngủ
  • Chóng mặt
  • Khô miệng
  • Cảm giác lo lắng, bồn chồn, hoảng loạn, sợ hãi và bất an
  • Căng cơ
  • Buồn nôn
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Tay và/hoặc chân đổ mồ hôi hoặc lạnh
  • Cảm giác ngứa ran hoặc tê ở tay hoặc chân
  • Không thể bình tĩnh hoặc giữ yên

Nguyên nhân

Sự kết hợp của nhiều yếu tố có thể đóng vai trò trong việc gây ra lo âu bao gồm:

  • Hóa học não bộ: Căng thẳng nghiêm trọng hoặc kéo dài góp phần làm thay đổi cân bằng hóa học trong não. Những thay đổi này có thể đóng vai trò trong sự khởi phát của chứng rối loạn lo âu.
  • Trải nghiệm: Các sự kiện căng thẳng hoặc chấn thương cũng góp phần gây cảm giác lo âu.
  • Tiền sử gia đình: Người có tiền sử gia đình mắc các triệu chứng rối loạn lo âu có nguy cơ cao hơn.
  • Yếu tố di truyền: Một số gene nhất định có thể khiến một người có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu cao hơn.
  • Tình trạng sức khỏe: Đau mạn tính, bệnh tim, tiểu đường, các vấn đề về tuyến giáp, các bệnh về hô hấp, sử dụng ma túy và cai nghiện ma túy.
  • Tính cách: Người có một số đặc điểm tính cách nhất định như hướng nội và loạn thần kinh có thể dễ bị lo lắng ở mức độ cao hơn.

Chẩn đoán

Bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia tư vấn sử dụng các công cụ chẩn đoán và câu hỏi chuyên môn cụ thể để xác định loại rối loạn mà một người có thể mắc phải.

Phân biệt

Dù các loại rối loạn thần kinh như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau sang chấn có điểm chung và có thể có mối liên quan nhưng chúng vẫn hoàn toàn khác biệt.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm việc trải qua những suy nghĩ ám ảnh và những hành vi cưỡng chế. Sự ám ảnh có thể tập trung vào những điều như sợ vi trùng, nhu cầu sắp xếp mọi thứ theo một thứ tự nhất định hoặc những suy nghĩ khó chịu về những chủ đề cấm kỵ. Cưỡng chế là những hành vi mà mọi người thường thực hiện như một cách để giải tỏa lo lắng do những suy nghĩ ám ảnh gây ra. Chúng có thể bao gồm các hành động như đếm, sắp xếp, kiểm tra hoặc giặt giũ.

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn là loại rối loạn có thể xảy ra sau một sự kiện sang chấn. Nó bao gồm các triệu chứng như thay đổi tâm trạng, kích động và phản ứng. Người mắc tình trạng có thể có những suy nghĩ ám ảnh, ký ức và ác mộng liên quan đến sang chấn. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm hồi tưởng, tăng cảnh giác, lo lắng, tránh né những lời nhắc nhở.

Điều trị

  • Liệu pháp tâm lý có thể giúp người rối loạn lo âu học cách kiểm soát các khía cạnh cảm xúc, nhận thức và hành vi. Một hình thức trị liệu tâm lý hiệu quả cho các rối loạn lo âu là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Phương pháp này tập trung vào việc giúp người mắc xác định suy nghĩ tiêu cực gây ra cảm giác lo âu, từ đó điều hòa cảm giác tốt hơn. Đồng thời, sử dụng các kỹ thuật thư giãn cũng giúp làm dịu phản ứng căng thẳng của cơ thể.
  • Một số loại thuốc cũng có thể được kê đơn giúp giảm các triệu chứng lo âu như thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta…
  • Thay đổi lối sống như hạn chế caffeine, nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục thường xuyên có thể hữu ích. Các kỹ thuật quản lý căng thẳng bao gồm hít thở sâu, yoga và thư giãn cơ cũng có thể hữu ích khi kiểm soát cảm giác lo âu.

Bảo Bảo (Theo Very Well Mind)