
TP HCMChị Huệ, 28 tuổi, áp dụng mô hình ngủ đa pha để tăng năng lượng, hai tháng sau thường xuyên mệt mỏi, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ nặng.
BS.CKI Nguyễn Hữu Khánh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích giấc ngủ thông thường được gọi là “mô hình giấc ngủ đơn pha”, tức ngủ xuyên đêm 7-8 tiếng và một giấc trưa ngắn. Còn giấc ngủ đa pha hướng đến giấc đêm ngắn kết hợp ngủ thêm nhiều giấc nhỏ vào ban ngày để đảm bảo ngủ được nhiều hơn mỗi ngày. Mô hình ngủ này thường được những người làm việc sáng tạo, công nghệ, làm nghề tự do hoặc sinh viên ôn thi áp dụng.
“Một người dù ngủ đủ số giờ cần thiết trong ngày nhưng lệch nhịp sinh học có thể khiến não không thể phục hồi đúng cách gây rối loạn thần kinh”, bác sĩ Khánh nói. Đơn cử như chị Huệ, kinh doanh online, đến Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh khám trong tình trạng rối loạn giấc ngủ nặng, mệt mỏi kéo dài, mất tập trung, rối loạn cảm xúc, hành vi.
Trước đó, chị ngủ đa pha trong hơn hai tháng, theo lịch trình hàng ngày một giấc chính khoảng 3 tiếng vào ban đêm và 4, 5 giấc ngắn 20-30 phút vào ban ngày, tổng cộng ngủ khoảng 4-5 giờ mỗi ngày. Ban đầu, chị cảm thấy tỉnh táo và có thêm thời gian làm việc, tuy nhiên, sau vài tuần, các triệu chứng thần kinh bắt đầu xuất hiện.
Kết quả đo điện não và đo đa ký giấc ngủ cho thấy các chu kỳ ngủ của chị Huệ bị phân mảnh nghiêm trọng, hầu như không có giai đoạn ngủ sâu (Non-REM 3) – giấc ngủ sóng chậm. Đây là giai đoạn não bộ phục hồi về thể chất, củng cố hệ miễn dịch, loại bỏ độc tố thần kinh. Thiếu giấc ngủ sâu lâu ngày dễ dẫn đến mệt mỏi mạn tính, suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa. Giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) của người bệnh cũng giảm hơn một nửa so với người bình thường, làm ảnh hưởng đến quá trình củng cố trí nhớ và cảm xúc.
Người bệnh được điều trị đa mô thức, dùng thuốc, tác động kích thích từ trường xuyên sọ, trị liệu nhận thức hành vi, đồng thời điều chỉnh lại thói quen ngủ tự nhiên. Dự kiến liệu trình điều trị kéo dài 6 tuần, chị Huệ mới hồi phục bình thường.
Bác sĩ Khánh cho biết giấc ngủ là thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sinh học đặc biệt của não bộ. Nếu chia nhỏ hoặc cắt xén giấc ngủ sai cách làm xáo trộn cấu trúc thần kinh. Não bộ dễ rơi vào trạng thái quá tải, kéo theo mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ trầm cảm. Ngủ đa pha còn ảnh hưởng đến chức năng vùng vỏ não trước trán – khu vực chịu trách nhiệm kiểm soát hành vi, cảm xúc và ra quyết định.
Thông thường, mỗi đêm, qua các chu kỳ kéo dài 90-120 phút, mỗi chu kỳ thường bao gồm 4 giai đoạn là N1, N2, N3 và REM. Mỗi giai đoạn đảm nhận chức năng riêng biệt, củng cố trí nhớ, phục hồi chức năng thần kinh, sức khỏe thể chất, tinh thần. Trong suốt giai đoạn ngủ sâu và REM – vốn chỉ xuất hiện trong giấc ngủ đêm đủ dài, não thực hiện quá trình dọn dẹp sinh học, loại bỏ độc tố thần kinh, tái tạo chất dẫn truyền thần kinh và củng cố trí nhớ dài hạn. Khi thay thế giấc ngủ ban đêm bằng các giấc ngủ ngắn trong ngày khiến quá trình phục hồi này bị gián đoạn hoặc không diễn ra đầy đủ. Về lâu dài, não bộ có thể bị tổn thương cấu trúc, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý thoái hóa thần kinh.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo mỗi người nên duy trì giấc ngủ khoảng 7 tiếng mỗi đêm kết hợp với một giấc ngủ trưa ngắn để đảm bảo sức khỏe. Người trưởng thành chỉ nên ngủ đa pha trong thời gian ngắn, khi thật sự cần thiết và phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu có dấu hiệu mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, người bệnh nên chủ động đi khám sớm .
Các xét nghiệm như điện não đồ (EEG), đo đa ký giấc ngủ (PSG) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp đánh giá mức độ ảnh hưởng của giấc ngủ đến não bộ, hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm các rối loạn tiềm ẩn. Rối loạn giấc ngủ có thể được điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng phương pháp.
Phương Phạm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh để được bác sĩ giải đáp |