Rơi từ tầng 12, nữ lao công sống sót kỳ diệu, giục chồng gọi cấp cứu

Rơi từ tầng 12, nữ lao công sống sót kỳ diệu, giục chồng gọi cấp cứu

bởi

trong

Câu chuyện của chị Peng Huifang, sống tại thành phố Lê Bình (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), gây xôn xao cộng đồng mạng nước này vì được ví như một “phép màu” của sự sống.

Theo South China Morning Post, ngày 13/5, chị Peng, vốn là một lao công, đến hỗ trợ chồng là người điều hành một cơ sở kinh doanh kính giúp một khách hàng lắp kính ban công. Tin rằng mình đang đứng ở vị trí an toàn trong phòng, chị không mang dây đai bảo hộ.

Khi hai vợ chồng sử dụng cần cẩu nâng một tấm kính nặng hàng trăm ký từ mặt đất lên tầng 12, tấm kính bất ngờ mắc vào một cành cây và rơi xuống, kéo theo cả cần cẩu và chị Peng – lúc đó đang giữ điều khiển – rơi khỏi tòa nhà.

Rơi từ tầng 12, nữ lao công sống sót kỳ diệu, giục chồng gọi cấp cứu

Mái che nắng đã cứu mạng người phụ nữ (Ảnh: Weibo/SCMP).

Tuy nhiên, một mái hiên phía dưới đã đỡ lấy người phụ nữ, giúp giảm đáng kể lực va chạm trước khi cơ thể chị tiếp đất. Dù không thể cử động, chị Peng vẫn tỉnh táo và lập tức hét lên với chồng: “Em chưa chết! Gọi 120 (số điện thoại cấp cứu ở Trung Quốc – PV) đi!”.

Người phụ nữ được đưa đến một bệnh viện phẫu thuật để điều trị nhiều chấn thương, bao gồm gãy chân trái, gãy bàn chân phải và tổn thương phần lưng dưới. May mắn thay, phần thân trên của chị gần như không bị ảnh hưởng.

Các bác sĩ cho biết chị Peng cần thêm một vài ca phẫu thuật nữa, nhưng tiên lượng phục hồi rất khả quan. Dự kiến trong vòng 6 tháng, chị có thể đi lại bình thường.

Sau sự cố, chị Peng bày tỏ sự hối hận vì đã không tuân thủ quy trình an toàn lao động, đồng thời chia sẻ câu chuyện của mình như một lời cảnh báo tới những người làm việc ở độ cao.

Rơi từ tầng 12, nữ lao công sống sót kỳ diệu, giục chồng gọi cấp cứu - 2

Dù thoát chết kỳ diệu, nữ lao công vẫn đối diện với ít nhất 6 tháng không thể di chuyển (Ảnh: Weibo/SCMP).

“Tôi chỉ kịp nghĩ: “Mình sắp chết rồi, mình sẽ rời khỏi thế gian này mãi mãi”. Đó là lỗi của vợ chồng tôi vì đã vận hành thiết bị sai cách. Không liên quan gì đến khách hàng cả. Thậm chí, chúng tôi còn cảm thấy xấu hổ vì đã làm phiền họ”, chị nói.

Tính đến nay, gia đình chị đã chi hơn 70.000 nhân dân tệ (hơn 250 triệu đồng) cho chi phí điều trị. Chị Peng cho biết thách thức lớn nhất hiện tại là chi phí điều trị kéo dài và gia đình đang cố gắng kêu gọi hỗ trợ để có thể tiếp tục quá trình phục hồi.

Câu chuyện do Zonglan News đăng tải đã gây “bão” trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người gọi đây là “phép màu giữa đời thực” và không ngừng chia sẻ thông điệp về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình an toàn khi làm việc ở độ cao.