Gần đây, một diện tích lớn rừng cây phi lao tại thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh cũ (nay thuộc xã Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị đốn hạ.
Trong lượng lớn cây bị chặt sát gốc, có nhiều gốc có đường kính 15-30cm, được trồng từ hàng chục năm trước. Vị trí này nằm sát bãi biển nên việc rừng cây phòng hộ bị đốn hạ đã tạo nên cảnh trơ trọi.

Cây phi lao trồng từ nhiều năm trước bị đốn hạ (Ảnh: Văn Nguyễn).
Tại tuyến đường lớn băng qua rừng phòng hộ, một lượng lớn thân cây phi lao đã được cưa theo kích thước dài hơn 1m chất thành đống, chờ vận chuyển đi nơi khác.
Nằm cách địa điểm này khoảng 300m cũng có một rừng cây phi lao rộng khoảng 500m2 bị đốn hạ.
Phi lao trồng tại rừng phòng hộ ven biển có tác dụng chắn sóng, chống sạt lở, cát bay. Vì thế, sự việc diễn ra trước mùa mưa bão khiến người dân khu vực lo lắng.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh), xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh cũ có 505ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân là 259ha và diện tích chưa giao, chưa cho thuê hiện do UBND xã quản lý là 246ha.

Cây phi lao được cưa thành từng khúc, tập kết bên đường, chờ vận chuyển đi nơi khác (Ảnh: Văn Nguyễn).
Do yếu tố lịch sử để lại trong công tác quản lý đất rừng, trước đây vào những năm 1990, khu vực đất ven biển xã Thạch Hải cũ là đất trống.
Do đó, chính quyền vận động một số hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng trên đất lâm nghiệp tại những khu vực đất trống, chưa có rừng do UBND quản lý. Đến nay, các hộ gia đình có nhu cầu khai thác cây đã trồng để tăng thu nhập.
Vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền, công an địa phương tuần tra, phát hiện 2 hộ dân đang khai thác cây phi lao tại khoảnh 6A và khoảnh 3, tiểu khu 283, xã Thạch Hải cũ, nay là xã Thạch Khê. Tổng diện tích rừng bị khai thác khoảng 650m2.

Rừng cây phi lao bị đốn hạ, tạo nên cảnh trơ trọi bên bờ biển (Ảnh: Văn Nguyễn).
Làm việc với cơ quan chức năng, các hộ dân cho biết số cây phi lao kể trên được họ tự bỏ vốn trồng, chăm sóc hàng chục năm, nay đến tuổi khai thác nên đã chặt bán cho một thương lái thu mua để làm củi.
Ngành chức năng sau đó lập biên bản đình chỉ việc chặt hạ cây, giao cho chủ lâm sản tự bảo quản số cây đã bị chặt hạ để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm.