
Một người dân cầm áp phích biểu tình phản đối sắc lệnh của ông Trump – Ảnh: AFP
Vụ việc xoay quanh sắc lệnh hủy công nhận quyền công dân Mỹ cho trẻ em sinh ra tại Mỹ nhưng không có cha hoặc mẹ là công dân Mỹ hay thường trú nhân hợp pháp (birthright citizenship), đặt ra những câu hỏi pháp lý nền tảng về Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.
Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng lại ở nội dung của sắc lệnh, mà còn kéo theo một cuộc tranh luận sâu rộng hơn về vai trò và quyền hạn của các thẩm phán liên bang cấp thấp – đặc biệt là việc họ có nên được phép ban hành các lệnh cấm thi hành có hiệu lực toàn quốc hay không.
Vì sao sắc lệnh gây tranh cãi?
Về bản chất, tranh cãi trong vụ kiện đang chạm đến một trong những nguyên tắc lâu đời nhất của Hiến pháp Mỹ – quyền công dân theo nơi sinh, theo Hãng tin Reuters.
Các nguyên đơn, bao gồm 22 tổng chưởng lý của các bang Dân chủ và nhiều tổ chức bảo vệ quyền di dân, lập luận rằng sắc lệnh này “vi phạm Tu chính án thứ 14 vốn đã được giải thích rõ ràng suốt hơn một thế kỷ qua”.
Trong phiên điều trần tại Tòa án tối cao, thẩm phán Sonia Sotomayor cho rằng sắc lệnh của ông Trump “vi phạm nhiều tiền lệ của tòa”, cảnh báo rằng nếu được thực thi, sắc lệnh có thể khiến hàng ngàn trẻ em sinh ra ở Mỹ trở nên không có quốc tịch.
Theo các bên phản đối, có đến hơn 150.000 trẻ sơ sinh mỗi năm sẽ bị từ chối quyền công dân nếu sắc lệnh có hiệu lực.
Trong khi đó phía chính quyền Tổng thống Trump lại phản biện rằng Tu chính án thứ 14 không bảo vệ quyền cho con cái của những người nhập cư bất hợp pháp hoặc cư trú tạm thời.
“Sắc lệnh phản ánh đúng ý nghĩa ban đầu của Tu chính án thứ 14 – vốn nhằm bảo vệ quyền công dân cho con cháu của người nô lệ, chứ không phải người nhập cư trái phép hoặc du khách”, Tổng biện lý John Sauer khẳng định.
Tuy nhiên không thẩm phán nào trong Tòa án tối cao tỏ dấu hiệu ủng hộ rõ ràng cho sắc lệnh. Ngay cả các thẩm phán bảo thủ cũng tỏ ra thận trọng, cho rằng cần thêm thời gian để cân nhắc tính hợp hiến của chính sách này.

Người dân biểu tình bên ngoài Tòa án tối cao hôm 15-5 khi các thẩm phán tranh luận về sắc lệnh của ông Trump – Ảnh: REUTERS
Cuộc giằng co giữa các nhánh quyền lực
Một điểm đáng chú ý trong phiên điều trần hôm 15-5 không chỉ nằm ở nội dung sắc lệnh, mà còn ở cách các tòa cấp dưới đã ngăn chặn nó.
Ba thẩm phán liên bang ở Maryland, Washington và Massachusetts đã ban hành lệnh cấm toàn quốc (universal injunction) nhằm chặn đứng sắc lệnh của ông Trump.
Chính quyền ông Trump đã phản đối mạnh mẽ hình thức này, yêu cầu Tòa án tối cao tuyên bố rằng các thẩm phán cấp dưới không có thẩm quyền ban hành lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc.
Theo Tổng biện lý Sauer, việc lạm dụng lệnh cấm này là một “triệu chứng bệnh lý” của hệ thống tư pháp liên bang. Ông lập luận rằng lệnh cấm chỉ nên áp dụng trong phạm vi vụ kiện cụ thể, chứ không thể ảnh hưởng đến toàn bộ quốc gia.
Thẩm phán Elena Kagan đồng ý rằng “có nhiều sự lạm dụng trong việc ra lệnh cấm toàn quốc”, nhưng bà cũng chất vấn ngược lại rằng: “Nếu ai đó cho rằng rõ ràng sắc lệnh là bất hợp pháp thì làm sao đạt được kết quả đó trong khung thời gian thực tế nếu không có lệnh cấm toàn quốc?”.
Trong nỗ lực thu hẹp quyền lực của tòa cấp dưới, phe bảo thủ tại Tòa án tối cao gợi ý rằng các vụ kiện mang tính tập thể (class-action) có thể là một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, đại diện các bang phản đối cho rằng điều đó không khả thi, vì “các bang không thể khởi kiện theo dạng này”.
Việc các thẩm phán cấp dưới liên tiếp ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump cũng cho thấy sự căng thẳng đang gia tăng giữa nhánh hành pháp và tư pháp. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, chính quyền ông Trump đã phải đối mặt với hơn 40 lệnh cấm theo hình thức này.
Phán quyết sắp tới của Tòa án tối cao không chỉ quyết định số phận của một sắc lệnh cụ thể, mà có thể tạo ra tiền lệ pháp lý mang tính định hình lâu dài, theo báo New York Times.
Nếu tòa án cấm các lệnh ngăn chặn trên toàn quốc, điều này sẽ trao nhiều quyền lực hơn cho tổng thống – không chỉ là ông Trump, mà cho bất kỳ ai ở Nhà Trắng – trong việc áp dụng chính sách một cách đồng loạt, bất chấp phản ứng từ các tòa án cấp dưới.
Nhưng nếu cho phép các thẩm phán cấp quận ngăn chặn các chính sách liên bang trên toàn quốc, phán quyết này có thể dẫn đến tình trạng “một thẩm phán quyết định thay cho cả nước” – nơi chỉ cần một người phản đối là đã có thể cản trở toàn bộ chính sách hành pháp.