Chân dung điệp viên Nguyễn Tiến Nhẫn hoạt động trong lòng địch được khắc họa qua cuốn “Làng ta có một anh hùng” của Nguyễn Quang Lập.
Tác phẩm gồm 16 chương và phần Vĩ thanh, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Ở đầu mỗi chương là cuộc trò chuyện của tác giả và bà Mai Thị Lê, 90 tuổi, nhân chứng lịch sử. Ở phần sau, thời gian ngược về quá khứ, cô bé Mai Thị Lê độc thoại – tâm tình cùng nhân vật Nguyễn Tiến Nhẫn, qua đó tái dựng câu chuyện về người điệp viên trẻ tuổi. Suốt tác phẩm, bà Mai Thị Lê thủ thỉ xưng “em”, như đang ôn lại kỷ niệm xưa với người anh, người bạn, người yêu thuở thiếu thời.

Sách ”Làng ta có một anh hùng” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành, dự giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất 2023-2025. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp
Năm lên 11 tuổi, Nguyễn Tiến Nhẫn tham gia cách mạng, hoạt động trong đội Hướng đạo rồi làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh. Sang tuổi 14, Nhẫn làm liên lạc cho ông Đồng Sĩ Nguyên, hai năm sau giữ vị trí điệp báo cho ông Trần Quý Hai. 18 tuổi, trong một trận càn, Nguyễn Tiến Nhẫn sa vào tay giặc, song anh đã chinh phục tên quan D’arrmovile nhờ khả năng nói tiếng Pháp lưu loát và cách ứng xử thông minh. Anh được D’arrmoville nhận làm con nuôi, phiên dịch cho hắn, bắt đầu những ngày tháng hoạt động ngay trong lòng địch. Nhờ lòng thông minh, sự gan dạ, anh cung cấp cho quân ta những tin tức, tài liệu quan trọng, nhất là lấy được bản đồ và kế hoạch hành quân của Pháp vào Cảnh Dương – cảng tiếp tế của Việt Minh.
Dù hoạt động bí mật, chàng trai Nguyễn Tiến Nhẫn không đơn độc. Anh được nhân dân chở che, cô gái Mai Thị Lê cũng dần trưởng thành, tham gia du kích và sát cánh bên anh. Tình yêu của chàng trai sinh năm 1929 và cô gái sinh năm 1933 bắt đầu từ sự gắn bó giản dị của những người làng Phan Long xưa (tên cũ của thị xã Ba Đồn, Quảng Bình). Họ lớn lên bên nhau, hai nhà chung một bờ rào, được cha mẹ yêu thương, cho ăn học đàng hoàng nên đều giỏi tiếng Pháp. Nếu không có chiến tranh, hai người sẽ yêu nhau rồi về chung một nhà, sinh con, sống một cuộc sống bình yên như cha mẹ, ông bà và bao thế hệ đi trước.
Năm 1948, Nguyễn Tiến Nhẫn bị địch bắt lần thứ hai khi đang bí mật gửi thư liên lạc cho Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên Trần Quý Hai. Đồng đội của anh cùng Mai Thị Lê đã tổ chức giải cứu Nguyễn Tiến Nhẫn khỏi đồn Hoàn Lão – nơi anh bị giam giữ – nhưng kế hoạch bất thành do Nhẫn bị giặc chuyển lên Đồng Hới trước đó. Sau những trận đòn tra tấn và mua chuộc mà không khuất phục được người chiến sĩ điệp báo, ngày 16/8/1948, giặc Pháp đưa anh ra xử bắn công khai ở chợ Ba Đồn nhằm khủng bố tinh thần của người dân.
Trong tác phẩm, nhà văn kết hợp cách viết hư cấu và phi hư cấu, dựa vào những tài liệu, nhân chứng và ký ức của bà Mai Thị Lê – bạn gái từ thuở thanh mai trúc mã của Nguyễn Tiến Nhẫn. Câu chuyện về người điệp viên được viết trên nền một mối tình vị thành niên với những chi tiết vừa có tính lịch sử vừa là câu chuyện đời thường.
Làng ta có một anh hùng tái hiện cảnh làng quê Quảng Bình – quê hương tác giả – với những con người hồn hậu, vẫn thân thuộc, gần gũi dù đã gần 100 năm trôi qua. Người đọc sẽ bắt gặp cảnh chợ bò, rượu Ba Đồn, những phiên chợ, món ăn đặc sản quê hương và các trò chơi dân gian xưa.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập xử lý nhuần nhuyễn tên địa danh, phương ngữ, ca dao, hò vè trong từng chi tiết để nhân vật, làng quê của mình vẫn mang cốt cách riêng biệt. Giọng văn chứa đựng tình yêu, niềm tự hào với truyền thống yêu nước của làng quê, nơi mà những con người như Nguyễn Tiến Nhẫn đã trở thành huyền thoại.
Sách cuốn hút người đọc bởi bút pháp hiện thực đan xen huyền ảo, như trong đoạn: “Vũ điệu ban mai của nắng. Những mảnh nắng chao liệng, đập cánh thong dong, khi lên thật cao khi xuống thật thấp, khi tỏa ra co lại. Nắng và bướm lẫn lộn trước mắt em, cả nắng và bướm đều lấp lánh óng ánh, đều chuyển động và đứng yên. Nhiều khi em không nhận ra. Dần dà nắng nằm trên cỏ, bướm đậu trên hàng rào. Đàn bướm vàng đậu hàng giờ liền, có khi cả ngày”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, 69 tuổi, từng ra mắt các tác phẩm Tiếng gọi nơi mặt trời lặn, Những mảnh đời đen trắng, Tình cát, Ba Đồn mạn thuật. Ông cũng viết loạt kịch bản sân khấu Mùa hạ cay đắng, Trên mảnh đất người đời, Những linh hồn sống, Đứa con bị mất cắp và điện ảnh như Trái tim bé bỏng, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Đảo của dân ngụ cư.
Hồng Vân