Sạt lở hàng nghìn khối đá ở Ninh Bình, người dân nơm nớp lo sợ

Sạt lở hàng nghìn khối đá ở Ninh Bình, người dân nơm nớp lo sợ

bởi

trong

Ngày 8/7, lãnh đạo phường Tam Chúc, tỉnh Ninh Bình cho biết, địa phương đang làm báo cáo về sự việc sạt lở núi đá tại khu vực thôn Đoài (trước đây là xã Khả Phong, huyện Kim Bảng cũ), gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, xin phương án xử lý, đồng thời đề xuất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Sạt lở núi, hàng nghìn khối đá đổ xuống, người dân nơm nớp lo sợ (Video: Thái Bá).

Ông Phạm Hoàng Tùng, Chủ tịch phường Tam Chúc cho biết thêm, sau khi xảy ra sự việc sạt lở núi, địa phương đã di dời khẩn cấp 2 hộ dân đến nơi an toàn. Khu vực nguy hiểm cũng được chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, cấm người dân lại gần.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Thành, hộ dân sống gần khu vực sạt lở núi vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi hàng nghìn khối đá từ trên cao đổ sập xuống.

“Trưa ngày 26/6, khi chúng tôi đang ở trong nhà thì bất ngờ nghe thấy những tiếng động như động đất ở khu vực núi gần nhà. Mọi người chưa kịp định hình về việc gì xảy ra, bất ngờ một tiếng nổ lớn như bom, sau đó hàng nghìn tấn đá từ trên núi cao đổ ập xuống đất”, ông Thành kể lại.

Sạt lở hàng nghìn khối đá ở Ninh Bình, người dân nơm nớp lo sợ

Hiện trường vụ sạt lở núi tại phường Tam Chúc, tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).

Người đàn ông kể tiếp với vẻ mặt thất thần, những gia đình sống gần khu vực sạt lở núi cũng như gia đình tôi chạy toán loạn ra bên ngoài. Rất may, khu vực sạt lở núi cách xa nhà các hộ dân, lại có khoảng cách bằng một ao nước, nên đá sạt lở xuống bị chặn lại.

Tuy nhiên, theo ông Thành, vẫn có nhiều tảng đá bắn văng ra xa, toàn bộ khu vực sạt lở bụi bay mù mịt. Bà Nguyễn Thị Thạc nhớ lại: “Tường rào của gia đình tôi cách xa hơn 100m nhưng đá vẫn văng lại sát chân tường”.

“Quá nguy hiểm, từ hôm đó đến nay, cả gia đình tôi phải đi ở nhờ nhà người thân. Hàng ngày, tôi chỉ qua lại nhà để cho gà, vịt ăn, không dám ở đây nữa”, bà Thạc nói.

Cũng theo bà Thạc, khu vực sạt lở núi trước đây là mỏ khai thác nguyên liệu của một doanh nghiệp. Ông Thành cho hay, doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ từ những năm 1995, thời gian gần đây, hết hạn khai thác nên doanh nghiệp đã rút toàn bộ máy móc đi nơi khác.

Sạt lở hàng nghìn khối đá ở Ninh Bình, người dân nơm nớp lo sợ - 2

Hàng nghìn khối đá sạt từ trên núi cao xuống nằm ngổn ngang tại hiện trường (Ảnh: Thái Bá).

“Họ khai thác vật liệu sâu quá vào chân núi nên nó gây sạt lở như vậy”, bà Thạc nói.

Không chỉ bà Thạc mà nhiều hộ dân sống gần khu vực núi sạt lở cũng rất lo lắng, khi hiện nay trên đỉnh núi cao vẫn còn hàng trăm nghìn khối đá treo lơ lửng, có nguy cơ sạt lở xuống dưới bất cứ lúc nào vì bên dưới đã bị “hở hàm ếch”.

“Nếu không có phương án xử lý, những khối đá còn lại sẽ sạt lở bất cứ lúc nào. Vì những ngày gần đây, chân núi bên dưới vẫn có những chuyển động. Những khối đá lớn này khi sạt xuống, có nguy cơ rất cao sẽ văng ra cả khu vực đường quốc lộ 21A, không chỉ gây nguy hiểm cho các hộ dân mà còn ảnh hưởng đến các phương tiện qua lại nơi đây”, ông Thành cho hay.

Sạt lở hàng nghìn khối đá ở Ninh Bình, người dân nơm nớp lo sợ - 3

Các hộ dân bị ảnh hưởng phải đóng cửa nhà, di dời đến nơi an toàn (Ảnh: Thái Bá).

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường sạt lở núi ở phường Tam Chúc, hàng nghìn tấn đá vẫn đang nằm ngổn ngang sau khi bị sạt lở từ trên núi cao xuống. Các hộ dân gần khu vực bị ảnh hưởng đã di dời toàn bộ tài sản đến nơi an toàn. Từ bên ngoài vào khu vực, chính quyền đã rào chắn và cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Người dân mong muốn, chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng tỉnh Ninh Bình, sớm có phương án xử lý, để người dân ổn định cuộc sống, không còn thấp thỏm lo âu.