Sáng 7.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng, sẽ trình bày tờ trình dự án luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
ẢNH: GIA HÂN
13 đặc khu gồm những đâu?
Dự thảo luật sửa đổi theo hướng không tổ chức cấp huyện, mô hình chính quyền địa phương chỉ còn 2 cấp gồm tỉnh và xã.
Trong đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành, gồm tỉnh, thành phố. Cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (được tổ chức tại hải đảo). Cùng đó là đơn vị hành chính kinh tế – đặc biệt, được giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.
Theo văn bản số 03/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các huyện đảo, thành phố đảo sẽ chuyển thành 13 đặc khu, gồm: Phú Quốc và Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang); Vân Đồn, Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vĩ (TP.Hải Phòng); Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa); Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng); Phú Quý (tỉnh Bình Thuận); Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang); Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Đối với chính quyền cấp tỉnh, để thực hiện nhất quán nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn hiện hành, dự thảo luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ T.Ư cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… ở địa phương.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp xã sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.
UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, chủ tịch UBND cấp xã; đặc biệt là chính quyền địa phương ở phường để quản lý và phát triển đô thị và chính quyền địa phương ở đặc khu nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo…

Các đại biểu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
ẢNH: GIA HÂN
Tránh tình trạng lãnh đạo nhiều hơn công chức thừa hành
Dự thảo luật tăng số lượng tối đa đại biểu HĐND cấp tỉnh (từ 75 lên 90 đại biểu) và HĐND cấp xã (từ 30 lên 35 đại biểu).
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến tán thành với việc tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã để bảo đảm phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp.
Song cũng có ý kiến cho rằng việc tăng là chưa thực sự phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy trong giai đoạn hiện nay, đề nghị giữ quy định như hiện hành.
Về cơ cấu tổ chức, dự thảo luật quy định căn cứ các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội…, UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã về ngành, lĩnh vực ở địa bàn cấp xã theo quy định của Chính phủ.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, với việc mở rộng quy mô và thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương cấp xã, việc xây dựng bộ máy tham mưu là cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng nhận định, quy định về việc thành lập cơ quan chuyên môn như thế nào, số lượng bao nhiêu thì cần có sự linh hoạt dựa trên yêu cầu, khối lượng công việc, số biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức (cấp phòng) và số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa. Việc này nhằm tránh tình trạng chia cắt về tổ chức, bộ máy, số lượng lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức trực tiếp thừa hành.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, tổ chức bộ phận văn phòng HĐND và UBND để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc HĐND, UBND cấp xã, không nhất thiết phải thành lập các phòng chuyên môn.