Sau sáp nhập, tên trường học thế nào cho hợp lý?

Sau sáp nhập, tên trường học thế nào cho hợp lý?

bởi

trong

Từ ngày 1.7.2025, VN chính thức còn 34 tỉnh, thành phố; chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và xã) vận hành trên toàn quốc. Mới đây, câu chuyện tỉnh Bắc Ninh mới (sáp nhập Bắc Ninh và Bắc Giang) đổi tên Trường THPT chuyên Bắc Giang của tỉnh Bắc Giang cũ thành THPT chuyên Bắc Ninh 2 khiến nhiều thế hệ giáo viên (GV), học sinh (HS) tâm tư. Theo ý kiến các nhà giáo, phụ huynh và HS, tên các cơ sở giáo dục (gọi tắt là trường học) ở các địa phương nên thế nào thì hợp lý, hợp tình sau khi sáp nhập?

Sau sáp nhập, tên trường học thế nào cho hợp lý?

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ) vẫn được giữ nguyên và là một trong 4 trường chuyên của TP.HCM

ẢNH: THÚY HẰNG

TÊN TRƯỜNG LÀ TRUYỀN THỐNG, THƯƠNG HIỆU BAO THẾ HỆ GẦY DỰNG

TS Đoàn Hoàng Hải, giảng viên Trường ĐH Công thương TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Bưu điện TP.HCM, cho biết sau khi sáp nhập, không nhất thiết phải máy móc đổi tên các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo. Đặc biệt, theo TS Hải, nên tránh đổi tên trường học kiểu tên kèm số 2, 3, 4… sẽ ảnh hưởng tới tâm tư của GV, HS và người dân.

“Khi đi kèm số 2, 3… người ta nhìn vào có thể nghĩ đó là cấp độ so sánh trường này với trường khác. Tên một trường học còn là thương hiệu đã được gầy dựng từ trước đến nay, là lịch sử, truyền thống bao người làm nên. Tên của trường đâu có ảnh hưởng gì tới địa lý tỉnh thành mới bởi trường học này nằm ở phường/xã này, trường học kia – có thể giống tên – nằm ở phường/xã khác. Khi viết tên trường, ta có thể thêm địa phương phường xã, tỉnh thành mà trường đó đang đóng trụ sở, để phân biệt. Tôi lấy ví dụ, 3 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long sáp nhập, tạo nên tỉnh Vĩnh Long mới hiện nay và tên Trường ĐH Trà Vinh vẫn được giữ nguyên. Khi viết hay nói, ta giới thiệu “Trường ĐH Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long” là đầy đủ”, TS Hải nói.

Đáng chú ý, TS Hải dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh bộ máy chính quyền 2 cấp phải thật sự tinh gọn, mạnh, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, việc gì cũng cần sự đồng tình của nhân dân… Do đó, việc có nhất thiết phải đổi tên cơ sở giáo dục hay không, đổi thế nào cũng không được duy ý chí, máy móc. Cần lắng nghe ý kiến từ người dân, phụ huynh, HS, GV, những nhà giáo để xem họ tâm tư ra sao, đó cũng là quyền lợi chính đáng của nhân dân.

KHÔNG NÊN MÁY MÓC

Trả lời PV Thanh Niên, TS Phạm Thị Mai Liên, giảng viên Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định: “Việc đặt lại tên trường sau khi sáp nhập tỉnh thành (nếu có) không nên thực hiện một cách máy móc, hành chính thuần túy, mà cần đặt trong bối cảnh văn hóa – lịch sử – tâm thức cộng đồng. Trường học không chỉ là nơi trao truyền con chữ mà còn lưu giữ ký ức, niềm tự hào của nhiều thế hệ HS, GV, phụ huynh. Đổi tên trường đồng nghĩa với việc sẽ tác động tới những giá trị tinh thần đó”.

“Chính vì những lý do ấy, tôi cho rằng nếu cơ sở giáo dục bắt buộc phải đặt tên mới cần có sự tham vấn rộng rãi, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, tôn trọng lịch sử địa phương, đồng thời hướng đến một tương lai chung giàu bản sắc. Làm được như vậy, người dân sẽ cảm thấy mình được trân trọng, được đồng hành thay vì thấy mất mát. Một cái tên hợp tình, hợp lý có thể trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai, tạo nên sự đoàn kết và khơi dậy khát vọng vươn lên của cả một cộng đồng sau sáp nhập”, TS Liên trao đổi.

Sau sáp nhập, tên trường học thế nào cho hợp lý? - Ảnh 2.

Việc đổi tên trường chuyên của tỉnh Bắc Ninh đang gây nhiều băn khoăn

ẢNH: MẠNG XÃ HỘI

NÊN GIỮ ỔN ĐỊNH, ĐẶC BIỆT LÀ TRƯỜNG CÓ BỀ DÀY TRUYỀN THỐNG

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, P.Long Thuận, tỉnh Đồng Tháp (trước đây thuộc TP.Gò Công, tỉnh Tiền Giang), cho rằng trước tiên các địa phương nên giữ ổn định tên gọi các trường học, đặc biệt là tên trường có bề dày truyền thống. “Chỉ những trường gắn với tên địa phương do không phù hợp thì mới đổi. Trước khi thay đổi nên lấy ý kiến GV, HS và người dân để lắng nghe nguyện vọng”, ông Hải nói.

Chị Hoàng Thùy Vân (phụ huynh, ngụ P.Chánh Hưng, TP.HCM) cho biết chị quê ở tỉnh Thái Bình (cũ), giờ đây là tỉnh Hưng Yên. Dù xa quê nhưng chị luôn hướng về quê nhà, theo dõi tin tức đời sống, xã hội quê hương. “Mới đây tôi đọc trên trang web của Trường THPT chuyên Thái Bình thì được biết UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định, trong đó cho thấy tỉnh vẫn giữ nguyên tên nhiều trường học, trong đó không thay đổi tên 2 trường chuyên vốn gắn bó với bao thế hệ HS, GV. Hiện nay tỉnh Hưng Yên mới có 2 trường chuyên trực thuộc Sở GD-ĐT, đó là Trường THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình cũ) và Trường THPT chuyên Hưng Yên (Hưng Yên cũ), đó là một quyết định hợp lòng dân, được mọi người ủng hộ”, chị bộc bạch. 

Tỉnh Khánh Hòa mới có 2 trường “THPT chuyên Lê Quý Đôn”

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đa phần tên các cơ sở giáo dục sẽ giữ nguyên như trước khi sáp nhập tỉnh. Trừ khi tên của cơ sở giáo dục có chữ “tỉnh”, “quận”, “huyện” thì sau sáp nhập, tên gọi mới sẽ được lược bỏ các chữ này.

Ví dụ, tỉnh Phú Thọ mới đã ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở GD-ĐT. Theo đó, trong 158 đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Phú Thọ mới có 3 trường chuyên, tên trường chuyên được giữ nguyên là: THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc cũ), THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ cũ) và THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình cũ).

Trung tâm GDTX tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) đổi thành Trung tâm GDTX Vĩnh Phúc; Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT tỉnh Vĩnh Phúc đổi thành Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Vĩnh Phúc. Hay Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình (cũ), đổi tên thành Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Hòa Bình…

Từ ngày 1.7.2025, không tính Trường phổ thông Năng khiếu (trường chuyên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) thì TP.HCM mới (sáp nhập TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có 4 trường chuyên thuộc Sở GD-ĐT, tên các trường chuyên này vẫn được giữ nguyên, gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM cũ), THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM cũ), THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương cũ), THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa-Vũng Tàu cũ).

Tỉnh Lâm Đồng mới từ ngày 1.7 có 4 trường chuyên, tên trường cũng không đổi như trước khi sáp nhập, gồm: THPT chuyên Thăng Long (tỉnh Lâm Đồng cũ), THPT chuyên Bảo Lộc (Lâm Đồng cũ), THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận cũ), THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông cũ).

Không tính các trường chuyên thuộc ĐH, hiện nay Hà Nội có 4 trường chuyên thuộc Sở GD-ĐT, gồm: THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT chuyên Chu Văn An, THPT chuyên Sơn Tây. Năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào thủ đô Hà Nội thì tên các trường chuyên của Hà Tây (cũ) cũng được giữ nguyên cho tới nay.

Tỉnh Vĩnh Long mới có 3 trường chuyên, giữ nguyên tên trước lúc sáp nhập, gồm: THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Vĩnh Long cũ), THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (tỉnh Trà Vinh cũ), THPT chuyên Bến Tre (tỉnh Bến Tre cũ).

Một điều thú vị là sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới (sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận) có 2 trường chuyên cùng tên là “THPT chuyên Lê Quý Đôn”. Tính tới thời điểm này, chưa có thông báo về việc thay đổi tên gọi 2 trường này. Cộng đồng HS cho biết không mong muốn tên trường mình thay đổi, bởi chỉ cần mở ngoặc tên trường đi kèm tên phường là có thể phân biệt 2 trường. Trên website của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Khánh Hòa cũ), hiện đã cập nhật địa chỉ trường là đại lộ Nguyễn Tất Thành, P.Nam Nha Trang, Khánh Hòa.