
Nam châm đất hiếm đang trở thành con bài mặc cả chiến lược của Trung Quốc trên bàn đàm phán – Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Báo Wall Street Journal dẫn số liệu hải quan Trung Quốc được công bố ngày 20-7 cho biết khối lượng xuất khẩu nam châm đất hiếm của nước này trong tháng 6 đã tăng vọt so với tháng trước đó, đánh dấu sự phục hồi sau các biện pháp siết chặt xuất khẩu hồi đầu năm.
Tín hiệu khả quan sau thỏa thuận ‘đổi chip lấy đất hiếm’
Cụ thể, Trung Quốc đã xuất khẩu 3,2 triệu kg nam châm đất hiếm trong tháng 6, gần gấp ba lần so với 1,2 triệu kg của tháng 5.
Tuy nhiên, khi so sánh với cùng kỳ năm 2024, con số này vẫn giảm 38% và thấp hơn đáng kể so với mức trung bình hằng tháng là 4,8 triệu kg.
Xu hướng giảm xuất khẩu đất hiếm bắt nguồn từ việc Bắc Kinh siết chặt các quy định xuất khẩu hồi tháng 4, nhằm đáp trả chính sách thuế quan của Washington. Tháng 5 đã chứng kiến mức giảm tận 74% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất trong hơn một thập kỷ.
Trung Quốc nắm giữ vị thế thống trị trong ngành đất hiếm với khoảng 2/3 sản lượng khoáng sản đất hiếm thế giới và chế biến 90% nguồn cung toàn cầu.
Nam châm đất hiếm là thành phần thiết yếu trong các sản phẩm từ động cơ ô tô điện đến hệ thống dẫn đường tên lửa, khiến mặt hàng này trở thành lá bài chiến lược mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế.
Tình hình bắt đầu chuyển biến tích cực khi Mỹ – Trung đạt được thỏa thuận theo hướng “đổi chip lấy đất hiếm” hồi tháng 6.
Theo đó, Bắc Kinh nới lỏng việc cấp phép xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ, đổi lại Washington cho phép các công ty công nghệ Mỹ bán chip AI cho Trung Quốc.
Hôm 15-7, Nvidia và AMD – hai ông lớn chip hàng đầu Mỹ – đã được Bộ Thương mại nước này chấp thuận bán chip AI cho thị trường Trung Quốc trở lại, kết thúc lệnh cấm bán có hiệu lực từ tháng 4.
Thỏa thuận này đã giúp xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ phục hồi đáng kể. Khối lượng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 6 đạt 353.000kg. Mặc dù vẫn giảm 52% so với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn cải thiện rõ rệt so với mức giảm 93% của tháng 5.
Doanh nghiệp lo thủ tục trong nước chậm

Đất hiếm xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc – Ảnh: REUTERS
Dù tình hình đã có những dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp phương Tây vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Họ cho biết vẫn chưa nhận được đủ nam châm cho nhu cầu sản xuất, trong khi thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan chức năng Trung Quốc có thể kéo dài hằng tuần.
Đặc biệt, việc cấp phép xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm thô rất hiếm khi được chấp thuận, buộc các công ty phải tìm kiếm giải pháp thay thế.
Để đối phó với tình trạng bất ổn này, nhiều nhà sản xuất phương Tây đã chủ động chuẩn bị các phương án dự phòng.
Một số công ty sẵn sàng chi trả chi phí vận chuyển hàng không đắt đỏ để đảm bảo nhận được hàng ngay khi giấy phép xuất khẩu được cấp.
Các doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu phát triển sản phẩm sử dụng nam châm có công suất thấp hơn hoặc không chứa các loại đất hiếm nằm trong danh sách bị Bắc Kinh kiểm soát nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.