Chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt sáng 9.7.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. Trong đó có dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; dự án đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và Hải Phòng – Móng Cái; dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.

Thủ tướng chỉ đạo đồng loạt khởi công giải phóng mặt bằng 2 dự án đường sắt vào 19.8 tới đây
ẢNH: NHẬT BẮC
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “làm đâu chắc đó, làm đâu được đấy”. Hiện công tác giải phóng mặt bằng, đã tách khỏi dự án đầu tư và giao các tỉnh, thành phố. Do đó các địa phương, nhất là người đứng đầu phải chủ động triển khai, chỉ đạo các xã, phường và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Nhấn mạnh, phải chủ động khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến, không trông chờ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tổ chức ra quân đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam vào dịp 19.8 để hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2026.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao thúc đẩy sớm họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam- Trung Quốc về các dự án đường sắt kết nối theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Các bộ, ngành rà soát, nếu còn khó khăn, vướng mắc về thể chế thì báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, giao Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan quy định vốn ODA, đảm bảo quy định phải thông thoáng, thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện nay.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hiện đã có một số nhà đầu tư đăng ký tham gia. Trước đó, đề xuất Chính phủ, Công ty CP đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed (thuộc Tập đoàn Vingroup – hệ sinh thái do tỉ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập) đã đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỉ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312.330 tỉ đồng (khoảng 12,27 tỉ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Sau Vinspeed, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng đề xuất được đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Thaco sẽ góp 20% tổng vốn đầu tư dự án (khoảng 12,27 tỉ USD), 80% còn lại (49,08%) đi vay và đề xuất được Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời gian 30 năm.