Sẽ triển khai hệ thống danh sách chờ ghép tạng công khai

Sẽ triển khai hệ thống danh sách chờ ghép tạng công khai

bởi

trong

Theo GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ này đang lấy ý kiến góp ý dự thảo luật Hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Qua thực tế tiếp nhận, điều phối, PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức, cho rằng luật hiện có quá nhiều vướng mắc, không theo kịp thực tế năng lực ghép tạng của VN. Hiện người dân có thể đăng ký hiến tạng rất đơn giản thông qua nền tảng số, nên mỗi tháng có tới 5.000 người đăng ký. Tuy nhiên, quy định thực tế về thủ tục đăng ký quá phức tạp, chưa thân thiện và khó tiếp cận với đa số người dân.

Sẽ triển khai hệ thống danh sách chờ ghép tạng công khai

Bộ Y tế đề xuất cơ chế tài chính phù hợp, đảm bảo công bằng, minh bạch cho hoạt động hiến tạng

ẢNH: THÚY ANH

PGS-TS Đồng Văn Hệ cũng cho biết, luật chưa cho phép trẻ em hiến tạng, đây là rào cản lớn để thực hiện ghép tạng cho trẻ em. Hiện trẻ có chỉ định ghép tạng chỉ có thể nhận tạng hiến từ người lớn, rất khó phù hợp. Ngoài ra, việc vận động hiến tạng, lấy, vận chuyển, bảo quản tạng hiến đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức nhưng chưa có cơ chế tài chính hỗ trợ. “Chỉ riêng dịch bảo quản tạng chi phí 20 triệu đồng, nhưng cũng chưa có nguồn chi trả theo quy định”, ông Hệ chia sẻ.

Theo ông Hệ, tại các nước, công tác hiến ghép tạng được chi trả từ 3 nguồn: BHYT, người nhận tạng đóng góp một phần, ngân sách nhà nước. Việc chi trả cho ghép tạng giúp giảm chi phí thực tế từ quỹ BHYT, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân (BN). Đơn cử, với BN ghép thận, sau ghép, BHYT chi trả thuốc chống thải ghép (dưới 100 triệu đồng/năm cho BN suy thận sau khi được ghép thận). Khoản chi này rất rẻ (giảm 50%) so với chi trả cho BN suy thận phải lọc máu (khoảng 200 triệu đồng/BN/năm). Năm 2024, cả nước có gần 900 BN được ghép thận. Do đó, mỗi năm, BHYT có thể dư hàng chục tỉ đồng nếu chi trả cho BN ghép thận, so với chi trả cho chạy thận nhân tạo; BHYT có lợi về chi phí nếu gia tăng BN nặng được ghép tạng. Đặc biệt, sau ghép tạng, BN nâng cao chất lượng cuộc sống, có lại sức lao động, giúp cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nhấn mạnh về yêu cầu minh bạch trong điều phối hiến ghép tạng, ông Hệ cho biết Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia sẽ ứng dụng công nghệ thông tin triển khai hệ thống danh sách người chờ ghép tạng công khai, do Bộ Y tế giám sát, tất cả các BV đều có thể theo dõi. Hiện có 31 BV đủ điều kiện ghép tạng, mỗi BV có các thành viên trong hội đồng đánh giá, giám sát về điều phối, chỉ định ghép.