Sếp bắt đặt tên tiếng Anh nhưng nhân viên chỉ nói tiếng Việt

Sếp bắt đặt tên tiếng Anh nhưng nhân viên chỉ nói tiếng Việt

bởi

trong
Sếp bắt đặt tên tiếng Anh nhưng nhân viên chỉ nói tiếng Việt

Ngày đầu tiên nhận việc ở một công ty trong nước, tôi được giám đốc hỏi ngay: “Em có tên tiếng Anh chưa?”.

Câu hỏi khiến tôi bối rối, vì từ trước đến giờ, dù làm việc hay liên lạc với người nước ngoài, tôi vẫn dùng tên Việt. Trong lúc còn chưa biết phản ứng thế nào, thì có tiếng gọi: “Jessica ơi, lấy giúp chị tệp hồ sơ”.

Người được gọi là Thảo, đồng nghiệp mới của tôi, nói nhỏ rằng đôi khi cô cũng… đứng hình vì quên mất sếp đang gọi cái tên “quốc tế” của mình.

Không chỉ tên gọi, mà cả môi trường làm việc ở đây cũng có một sự “Anh hóa” khá hình thức: mọi người được yêu cầu đặt tên tiếng Anh, email cá nhân trong nội bộ cũng dùng tên nước ngoài.

Thế nhưng suốt cả ngày, công việc, báo cáo, giao tiếp đều bằng tiếng Việt. Không một hợp đồng quốc tế, không một khách hàng nước ngoài, cũng không có buổi họp nào cần nói tiếng Anh. Lý do duy nhất được nhắc đến là… cho chuyên nghiệp.

Tôi không phản đối việc dùng tiếng Anh trong môi trường làm việc. Ngược lại, trong thời đại toàn cầu hóa, tiếng Anh là một công cụ quan trọng để mở rộng cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân.

Trong thực tế, việc học tiếng Anh ở Việt Nam đang bị kéo lệch bởi nhiều xu hướng hình thức. Có người học tiếng Anh chỉ để lấy bằng, có người đặt mục tiêu “nói như người bản xứ” mà không rõ để làm gì, có người tạo ra cả một không gian làm việc giả lập quốc tế chỉ để trông có vẻ hiện đại.

Nhưng nếu không có nhu cầu thực sự, không có môi trường sử dụng, thì tiếng Anh, như mọi kỹ năng khác sẽ mai một. Học một ngôn ngữ không phải để trưng bày, mà để sử dụng. Khi mục đích bị mờ đi, thì mọi công cụ cũng trở thành vô nghĩa.

Tôi từng biết một người bạn tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh nhưng làm trong ngành tài chính. Cô không đặt tên tiếng Anh, không bao giờ khoe khả năng ngoại ngữ, nhưng lại là người dịch báo cáo nước ngoài nhanh và chính xác nhất.

Khi cần đàm phán với khách hàng nước ngoài, cô cũng là người đứng ra hỗ trợ sếp nói chuyện mạch lạc, hiệu quả. Trong khi đó, không ít người trưng bằng IELTS cao ngất trên hồ sơ, nhưng lại bối rối khi gặp một email đơn giản bằng tiếng Anh trong công việc hằng ngày.

Việc học tiếng Anh, và mọi ngoại ngữ khác cần được đặt trên nền tảng của nhu cầu thực và năng lực thực. Không ai cần bạn nói giỏi tiếng Anh nếu bạn không có môi trường giao tiếp, không dùng nó để đọc, để viết, để làm việc.

Ngược lại, nếu bạn thực sự cần, thì bạn sẽ học một cách có động lực, và không cần phải gượng ép những hình thức như đặt tên nước ngoài hay họp nhóm bằng vài câu sáo rỗng để “tạo không khí”.

Quan điểm của bạn thế nào?

Quang Anh