Dự kiến vào ngày 5/6, TAND quận Tây Hồ (Hà Nội) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Tống Anh Tuấn (43 tuổi, ở Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Tuấn là người điều khiển ô tô Lexus, hành hung anh Nguyễn Xuân Hưng (31 tuổi, nhân viên giao hàng, tạm trú quận Tây Hồ) vào ngày 10/2 khiến nạn nhân bị thương tật 8%.
Ngoài trách nhiệm hình sự, anh Hưng yêu cầu Tuấn bồi thường dân sự với mức thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, bao gồm các chi phí khám chữa bệnh, thu nhập bị mất, tổn thất tinh thần, tiền công người thân hỗ trợ, chăm sóc… Quá trình vụ án được giải quyết, Tuấn đã nộp 50 triệu đồng tiền bồi thường, khắc phục hậu quả.
Với hậu quả vụ án như trên, có cơ sở để nam shipper yêu cầu mức bồi thường lên tới hơn 1 tỷ đồng hay không?

Hình ảnh sự việc ghi lại từ camera an ninh (Ảnh cắt từ clip).
Xác định mức bồi thường ra sao?
Theo luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng do hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức gây ra là quyền cơ bản của mỗi công dân được pháp luật bảo hộ. Việc bồi thường trên thực tế thường dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên, trường hợp các bên không thể thống nhất mức bồi thường thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật tại Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản liên quan.
Cụ thể, theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
(i) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại;
(ii) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
(iii) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
(iv) Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nạn nhân gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tức cao nhất ở mức 117 triệu đồng.

Bị cáo Tống Anh Tuấn (Ảnh: Công an Hà Nội).
Tiếp đó, tại Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn cách tính thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, mức bồi thường được xác định cụ thể như sau:
Chi phí điều trị bao gồm: Chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Chi phí thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại di chuyển giữa nơi ở và nơi khám chữa bệnh; Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại tương đương 1 ngày lương tối thiểu vùng/ ngày khám chữa bệnh theo hồ sơ bệnh án và Chi phí phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng bị mất, giảm sút (nếu có).
Theo quy định, mức lương tối thiểu vùng hiện nay ở quận Tây Hồ (Hà Nội) là 4,96 triệu đồng/tháng, tương đương 23.800 đồng/giờ.
Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút được xác định như sau: Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công bị giảm sút trong khoảng thời gian không thể đi làm.
Trường hợp thu nhập không ổn định thì căn cứ mức tiền lương, tiền công trung bình của 3 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Nếu không xác định được 3 tháng lương liền kề trước đó thì căn cứ thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì mức bồi thường là 1 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 1 ngày bị thiệt hại. Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 1 tháng lương tối thiểu vùng chia cho 26 ngày.
Chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: Chi phí tàu, xe đi lại, tiền thuê địa điểm lưu trú để ở lại chăm sóc (nếu có); Thu nhập thực tế bị mất trong thời gian điều trị. Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc được xác định là 1 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 1 ngày chăm sóc.
Như vậy, việc xác định mức bồi thường thiệt hại cho nam shipper sẽ được tính như sau:
Chi phí hợp lý cho việc khám chữa bệnh, bao gồm chi phí khám chữa bệnh; di chuyển, đi lại giữa bệnh viện và nơi cư trú. Để có căn cứ yêu cầu, cần có hồ sơ bệnh án, chẩn đoán của bác sĩ cũng như các hóa đơn, chứng từ thanh toán tiền chữa bệnh, mua thuốc, thiết bị y tế và di chuyển, đi lại phù hợp với số ngày phải điều trị.
Chi phí bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian điều trị, tương đương 1 ngày lương tối thiểu vùng/ngày điều trị theo bệnh án. Mức lương tối thiểu vùng tại quận Tây Hồ hiện là 4,96 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 191.000 đồng/ngày.
Thu nhập thực tế bị mất, dựa trên công việc công việc hiện tại. Để có căn cứ yêu cầu bồi thường, anh H. phải chứng minh được thu nhập hàng tháng hoặc 3 tháng liền kề trước thời điểm xảy ra sự việc. Nếu không thể xác định thì áp dụng công thức 1 ngày lương tối thiểu vùng tương đương 1 ngày bị thiệt hại.
Chi phí hợp lý cho người chăm sóc, bao gồm các chi phí như đi lại, ăn ở cũng như các khoản thu nhập bị mất trong thời gian xảy ra thiệt hại. Tương tự các khoản trên, người chăm sóc cần cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu để làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Về số tiền bồi thường tổn thất tinh thần, con số này sẽ do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp không thể tự thỏa thuận, con số tối đa có thể áp dụng là 117 triệu đồng, tương đương 50 lần mức lương cơ bản.

Anh Hưng được đưa đi giám định thương tật (Ảnh: Nguyễn Hải).
Trên thực tế, việc áp dụng mức bồi thường tối đa thường chỉ áp dụng với trường hợp người bị thiệt hại tử vong. Đối với những vụ việc xảy ra tổn hại sức khỏe, việc tính mức bồi thường tổn thất về tinh thần sẽ tùy thuộc căn cứ áp dụng, tính toán của thẩm phán.
Tiền lệ giải quyết tại các bản án cho thấy thẩm phán có thể áp dụng công thức như sau: Bồi thường tổn thất tinh thần = Tỷ lệ phần trăm thương tật x Mức bồi thường tối đa. Trong trường hợp phải áp dụng công thức trên, mức bồi thường tổn thất về tinh thần là 9,36 triệu đồng.
Nằm viện hạng sang, có được yêu cầu thanh toán toàn bộ viện phí?
Về chi phí khám chữa bệnh cho người bị thiệt hại khi nằm điều trị tại các cơ sở y tế cao cấp, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP, “chi phí hợp lý” cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe bao gồm: Chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh; Thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở; Chi phí bồi dưỡng sức khỏe tương đương 1 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám chữa bệnh cho 1 ngày khám chữa bệnh và Chi phí phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại.
Về mức tính giá dịch vụ khám chữa bệnh, theo Điều 110 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám chữa bệnh; Tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có) và Các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Trong đó, giá thành toàn bộ của dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm các loại chi phí theo khoản 2 Điều này như Chi phí nhân công; Chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu, nguyên vật liệu, dụng cụ y tế…); Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định và Chi phí quản lý (Duy tu, bảo dưỡng thiết bị, bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, đào tạo, nghiên cứu khoa học…).
Còn theo Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị và giá dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Có thể thấy bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bị hại là nghĩa vụ bắt buộc của người vi phạm pháp luật. Trong các khoản bồi thường, chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại phải là chi phí hợp lý.

Bị hại Nguyễn Xuân Hưng (Ảnh: Nguyễn Hải).
Trong đó, “chi phí hợp lý” sẽ bao gồm các khoản như tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu và trở về nơi ở; tiền thuốc và các thiết bị y tế; chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, phẫu thuật, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ.
Để có căn cứ xác định, mấu chốt là cần căn cứ hồ sơ bệnh án, chẩn đoán, chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, bị hại cần lưu giữ toàn bộ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc yêu cầu của bệnh viện, cơ quan trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Đối với các khoản chi phí khác có thể phát sinh như chi phí nằm viện thêm ngoài số ngày điều trị, sử dụng các dịch vụ thêm của bệnh viện hoặc chi phí cho các loại thuốc bổ trợ không nằm trong hồ sơ bệnh án hay chỉ định của bác sĩ, đây không được coi là chi phí “hợp lý” và có thể không được đưa vào để tính mức bồi thường.
Ngoài ra, pháp luật không có quy định về việc bắt buộc bị hại chỉ được tính mức bồi thường theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công, chất lượng phổ thông. Bởi vậy, trường hợp bị hại nằm tại các bệnh viện, cơ sở y tế có giá thành đắt đỏ, họ có quyền yêu cầu người phạm tội bồi thường đối với các chi phí khám chữa bệnh mình bỏ ra và trong phạm vi hồ sơ bệnh án, chẩn đoán, hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ điều trị.