Gồng mình trước áp lực kép
Bước vào giai đoạn nước rút của đợt ôn thi tốt nghiệp THPT, học sinh lớp 12 đang phải đối mặt với một “bức tường” đôi: một bên là áp lực học tập ngày đêm để chinh phục tri thức, bên kia là những kỳ vọng lớn lao, mà gia đình, nhà trường đặt lên vai các em.
Với lượng kiến thức khổng lồ, học sinh phải căng mình trong lịch học dày đặc, từ học chính khóa, học thêm, đến tự học ở nhà. Việc phân chia thời gian sao cho hợp lý giữa các môn học, giữa việc học và nghỉ ngơi trở thành bài toán khó.
“Để có thêm thời gian luyện đề, em buộc phải giảm giờ ngủ, không còn thời gian cho những hoạt động giải trí, thậm chí có những hôm em ăn vội vàng cho xong bữa.
Hầu như mỗi ngày, em đều học đến 1-2h sáng, rồi tranh thủ ngủ trước khi chuông báo thức kêu lúc 6h để tiếp tục học. Có lẽ vì vùi đầu vào sách vở quá nhiều, đến thỉnh thoảng trong giấc mơ, em thấy mình đang miệt mài giải đề”, em Hoàng Thị Hằng chia sẻ về những ngày ôn thi căng thẳng.

Áp lực học tập với kỳ vọng lớn lao từ gia đình, nhà trường khiến nhiều học sinh luôn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng trong quá trình ôn thi. Trong ảnh: Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh minh họa: Hải Long).
Bên cạnh áp lực học tập, kỳ vọng từ gia đình dường như một gánh nặng vô hình, âm thầm đè nặng lên tâm lý của các sĩ tử.
Thanh Trúc, học sinh lớp 12 của một trường THPT ở Nghệ An, cho biết: “Năm nay, những thay đổi trong thi cử cùng với guồng quay ôn tập đã khiến em không ít lo lắng cho kỳ thi sắp tới.
Khối lượng bài vở nhiều khiến em thấm mệt, áp lực như nhân đôi khi bố mẹ luôn kỳ vọng em đạt điểm cao, đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Sự căng thẳng, mệt mỏi tích tụ âm thầm khiến em phải tìm đến bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ”.
Một trong những áp lực mà các bậc phụ huynh vô tình gây ra cho con em mình trong mùa thi căng thẳng, chính là thói quen so sánh với bạn bè hay “con nhà người ta”.
“Việc bố mẹ thường xuyên so sánh em với các bạn giỏi trong lớp đã khiến em rất mặc cảm. Chưa thi nhưng em luôn cảm thấy mình đã thất bại, không xứng đáng với kỳ vọng của gia đình”, em N.H.H (Hà Nội) bày tỏ.

Dù muốn tốt cho con nhưng đôi khi phụ huynh có cách nói, trao đổi không phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của con và tạo nên những áp lực, mâu thuẫn gia đình không đáng có (Ảnh minh họa: AI).
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, do áp lực công việc, cuộc sống hoặc thiếu kiến thức về tâm lý lứa tuổi, có thể giao tiếp với con cái bằng những mệnh lệnh, chỉ trích hoặc áp đặt.
Chị Trần Thị Thảo (Hà Nội), có con trai đang là học sinh lớp 12, chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi đều đốc thúc con học hành, ôn luyện không ngừng nghỉ. Nhưng vì không biết cách nói chuyện để thể hiện sự đồng cảm và khuyến khích con chia sẻ nên đôi khi con nghĩ rằng tôi khó tính, không hiểu con, dần dần tôi nhận thấy có khoảng cách giữa mình và con ngày càng lớn”.
Thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang, giảng viên ngành Tâm lý học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Áp lực học tập và kỳ vọng từ gia đình giống như một “chiếc balo vô hình” mà học sinh phải mang trên lưng.
Nếu quá nặng, các em dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và hoài nghi về năng lực của bản thân. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất ngủ, dễ cáu gắt, thậm chí là những biểu hiện của trầm cảm.
Về mặt thể chất, việc thức khuya học tập liên tục khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, dễ mắc các bệnh thông thường. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thi mà còn có thể kéo dài dai dẳng, tác động tiêu cực đến cuộc sống và tương lai của các em”.

Một sự động viên, chia sẻ nhẹ nhàng từ phía phụ huynh để giảm bớt áp lực cho các sĩ tử đang trong giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp (Ảnh minh họa: AI).
Giải pháp cho mùa thi nhẹ nhàng
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn quá căng thẳng mà trở thành một bước ngoặt nhẹ nhàng trên con đường trưởng thành của các em, từ học sinh, bố mẹ, thầy cô cần cùng nhau thay đổi và hành động.
“Thay vì học nhồi nhét, các em cần xây dựng một kế hoạch học tập khoa học, phân chia thời gian hợp lý cho từng môn, có thời gian biểu cụ thể cho việc học, nghỉ ngơi và giải trí. Việc áp dụng các kỹ thuật quản lý thời gian có thể giúp tăng hiệu quả học tập và tránh cảm giác quá tải.
Ngoài ra hãy học cách nhận diện và đối phó với căng thẳng, lo âu bằng các phương pháp như hít thở sâu, nghe nhạc, tập thể dục nhẹ nhàng. Việc giữ cho tinh thần thoải mái sẽ giúp các em học tập hiệu quả hơn và tự tin hơn khi bước vào phòng thi.
Hãy chia sẻ những lo lắng, khó khăn với bạn bè, thầy cô và gia đình. Việc nói ra những áp lực sẽ giúp các em cảm thấy nhẹ nhõm hơn và có thể nhận được những lời khuyên, sự động viên hữu ích”, cô Kiều Trang dành lời khuyên cho các bạn học sinh để có thể vượt qua kỳ thi một cách thoải mái hơn.
Với nhiều năm là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Nguyễn Thị Hà (Nghệ An) nhấn mạnh: “Điều quan trọng là bố mẹ hãy dành thời gian lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và cả những khó khăn mà các con đang trải qua. Thay vì chỉ chú trọng vào kết quả cuối cùng, hãy trân trọng và ghi nhận sự nỗ lực, từng bước tiến bộ của con.
Song song đó, bố mẹ nên cùng con khám phá những ngành nghề và trường học phù hợp với năng lực, sở thích, đồng hành cùng con trong việc định hướng tương lai. Sự đồng cảm, sẻ chia và niềm tin yêu từ gia đình chính là nguồn sức mạnh lớn nhất giúp các con vững vàng vượt qua giai đoạn này”.
Tuyết Mai