Sokfarm chọn khai thác mật hoa dừa thay vì lấy quả giúp nông dân tăng thu nhập, đưa đường hoa hữu cơ xuất khẩu sang Mỹ, hướng đến nông nghiệp bền vững.
Tháng 5, hơn 7 tấn đường hoa dừa hữu cơ – sản phẩm OCOP 5 sao của Trà Vinh (nay là Vĩnh Long) xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ. Bước đi đánh dấu
một thương hiệu khởi nghiệp tại miền Tây Nam Bộ chạm tới thị trường cao cấp bằng giọt mật từ hoa dừa bản địa.
Thương hiệu đứng sau cú chuyển mình ấy là Sokfarm, doanh nghiệp 6 năm tuổi có trụ sở tại Tiểu Cần, Vĩnh Long, chuyên sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa. Từ một trang trại nhỏ chỉ vài cây dừa, đến nay Sokfarm kết hợp với hơn 25 ha vùng nguyên liệu, liên kết với 48 hộ dân. Trung bình mỗi ha dừa cho thu hoạch khoảng 70 tấn mật hoa tươi mỗi năm, tương đương tổng sản lượng 700-900 tấn/năm. Nông dân tham gia dự án có thể đạt doanh thu 40-60 triệu đồng/ha mỗi tháng.
Danh mục sản phẩm tập trung vào 6 dòng chủ lực gồm mật hoa dừa tươi, mật hoa dừa cô đặc hữu cơ, đường hoa dừa hữu cơ, giấm mật hoa dừa, nước
tương mật hoa dừa hữu cơ và sản phẩm mật hoa dừa lên men.
Tìm lối đi cho loài cây biểu tượng miền Tây
Nhìn lô hàng xuất khẩu, chị Thạch Thị Chal Thi (Kaity) nhớ lại hành trình khởi nghiệp. Năm 2018, giá dừa ở miền Tây chạm đáy. 12 trái bán chỉ
được 25.000 đồng, một hecta dừa cho thu nhập chưa tới 2 triệu đồng mỗi tháng. Một đặc điểm khác, loài cây này phải chăm 6-7 mới đến đợt thu hoạch
đầu tiên. “Nếu không tăng thêm giá trị, dừa có thể trở thành biểu tượng của sự nghèo khó”, Kaity nghĩ.
Thay vì tìm thêm đầu ra cho trái dừa, Kaity bị cuốn hút bởi một ý tưởng: thu mật từ hoa dừa – mô hình đã thành công tại Thái Lan, Indonesia,
Philippines. Kaity và chồng là anh Phạm Đình Ngãi (hiện là CEO Sokfarm) quyết định tìm hiểu phương pháp này, ứng dụng ngay ở vườn dừa Trà
Vinh.
Họ bắt đầu học cách massage hoa dừa, cắt đúng thời điểm, thu mật như cách người Khmer từng thu nước thốt nốt. Mật hoa dừa là một sản phẩm
thuần thực vật được trích ly từ hoa dừa (không phải mật từ ong). Hàng ngày, người nông dân phải đều đặn trèo lên cây dừa (4 đến 15 năm tuổi) hai
lần để mát xa hoa dừa, cắt mặt mới và thu nước mật về (giống như phương pháp thu nước thốt nốt). Sau đó, mật hoa dừa tươi được đem về nhà máy chế
biến. Cứ 8 lít mật tươi thành 1 lít mật cô đặc.
Nhưng 8 tháng đầu là chuỗi thất bại nối dài: sai kỹ thuật, hoa không tiết mật, cây dừa héo, mật hỏng.
“Có lúc đứng lặng giữa vườn muốn từ bỏ. Nhưng chính sự cố chấp với quê hương níu tôi ở lại”, Kaity nói.
Chị cùng chồng phân tích từng công đoạn thực hiện, nhận ra loài cây và thổ nhưỡng đặc biệt sẽ có những yêu cầu riêng. Từ đó chị điều chỉnh
từng bước, từng kỹ thuật một cách tỉ mỉ. Sau nhiều đêm không ngủ, những giọt mật đầu tiên bắt đầu chảy ra, khởi đầu cho hệ sinh thái Sokfarm.

Dù đã có công đoạn sản xuất chuẩn, khó khăn chưa dừng lại. Khi đề xuất khai thác mật hoa thay vì trái, Kaity không nhận được ủng hộ từ người
trồng dừa. Nhiều nông dân lắc đầu, cho rằng cách làm của chị quá mới, quá mạo hiểm. Phải mất hàng tháng trời thuyết phục, phân tích, mời bà con
đến trải nghiệm thực tế, chị mới dần thay đổi được tư duy. Một hộ dân chỉ có 9 cây dừa, khi áp dụng mô hình mới, mỗi tháng thu về 2,5 triệu đồng
– con số tương đương thu nhập từ cả một công dừa 250 cây nếu chỉ bán trái, tức thu nhập tăng gần 30 lần.
Năm 2019, Kaity và chồng thành lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm, lấy tên thương hiệu Sokfarm, nghĩa là “hạnh phúc” trong tiếng Khmer. Đây là
bước đánh dấu mô hình cá thể chuyển sang doanh nghiệp, định hình một tầm nhìn dài hạn.
Sokfarm chọn đi theo hướng 100% tự nhiên. Mật được thu thủ công theo kỹ thuật Khmer, đưa vào nhà máy đạt chuẩn ISO 22000 và FDA để chế biến,
không hóa chất bảo quản. Sản phẩm giữ nguyên dưỡng chất, phù hợp với xu hướng tiêu dùng bền vững toàn cầu.
Những lô hàng đầu tiên được thị trường đón nhận, chị mở rộng vùng nguyên liệu lên 2 ha, giải quyết được 10 lao động tại địa phương và liên kết
với 3 nông hộ trồng dừa. Năm 2020, tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu lên 4 ha, giải quyết được 20 lao động tại địa phương, liên kết với nhiều hộ
trồng dừa.
Đến nay, đơn vị có khoảng 56 nhân sự, chủ yếu là lao động địa phương, trong đó có hơn 70% là người khmer và 80% là lao động nữ.

Từ sinh kế cho nhà nông đến mục tiêu Net Zero
Với tầm nhìn dài hạn, Sokfarm không dừng ở khâu sản xuất mà chủ động xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị: từ khảo sát thị trường, phát triển vùng
nguyên liệu, nghiên cứu chế biến, truyền thông, đến phân phối. “SME không thể làm tất cả, nhưng có thể làm điều chưa ai làm như hoa dừa để tạo
lợi thế riêng”, anh Phạm Đình Ngãi, CEO công ty nói.
Đến nay, công ty có hơn 30 sản phẩm từ mật hoa dừa: đường, giấm, nước uống, thực phẩm dinh dưỡng… Mỗi dòng sản phẩm được thử nghiệm, cải
tiến liên tục để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Với hơn 300 đại lý, trên 30 tỉnh thành, mỗi tháng Sokfarm bán ra 60.000 – 80.000 sản phẩm. Các chứng nhận quốc tế như HACCP, FDA, ISO 22000, OCOP 3 sao…
là bước đệm để doanh nghiệp hướng tới thị trường toàn cầu.
Theo CEO, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, dừa là cây trồng chịu được hạn mặn ở ĐBSCL. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ liên kết
được với 500 nông hộ và tiến tới liên kết với 1.000 nông hộ vào năm 2035.
Tầm nhìn của Sokfarm không chỉ là doanh thu, lợi nhuận mà là xây dựng cộng đồng nông nghiệp bền vững, lấy nông sản bản địa làm trung tâm, ứng
dụng khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo làm động lực. Anh Ngãi cho biết vợ chồng anh cũng đang tìm hiểu và thực hiện các quy trình để bán
tín chỉ carbon từ cây dừa.

Theo nghiên cứu, với mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm, số tín chỉ carbon có thể tính như giá trồng cây rừng là khoảng 1 USD mỗi cây. Hiện nông
trại có 25.000 cây dừa đã trên 10 năm, số tiền thu về ít nhất là 25.000 USD cho người nông dân, chưa kể mỗi năm lại trồng thêm dừa. “Đây là khoản
tiền mà những người nông dân chưa bao giờ nghĩ mình có thể thu được từ việc trồng cây bình thường”, anh chia sẻ.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050, giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục
được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon. Bởi, 1 ha dừa mỗi năm có hấp thụ được 70-75 tấn CO2. Từ một ý tưởng nhỏ giữa vườn dừa quê,
Sokfarm được kỳ vọng vươn mình thành doanh nghiệp tiên phong, góp phần viết lại định nghĩa về giá trị nông nghiệp Việt.
Thái Anh
Nếu bạn có câu chuyện tương tự về doanh nghiệp mình hoặc biết một đơn vị đang nỗ lực đổi mới, hãy chia sẻ cùng chúng tôi qua |