Xem kịch có các khách mời đặc biệt: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang); bà Đặng Thị Tuyết Mai, vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai; ông Lâm Quốc Dũng, chiến sĩ quân báo của biệt động Sài Gòn.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang giao lưu cùng các bạn trẻ
ẢNH: BTC
Nguyễn Viết Âm, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trưởng ban tổ chức, cho biết: “Ý tưởng để dàn dựng vở kịch này của nhóm chúng mình bắt nguồn từ cảm xúc 50 năm đất nước thống nhất. Từ đó, chọn hồi ký Nước mắt ngày gặp mặt của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang để làm cảm hứng chủ đạo, thắp lên khát vọng tái hiện những ký ức bi tráng nhưng đầy nhân văn”.
Vở kịch có thời lượng 90 phút, bao gồm 3 hồi: Dành câu hứa – Qua thời lửa – Đến ngày mai.
Theo Viết Âm, nội dung câu chuyện bắt đầu từ khi anh Tư rời khỏi nhà lên đường thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đất nước. Khi ra đi, anh để lại người mẹ già cùng người vợ đang mang thai cùng lời hẹn về một ngày trở về bình an. Trong gần 30 năm xa gia đình, anh Tư gắn bó với công việc tình báo, luôn trong trạng thái nguy hiểm, không thể liên lạc với vợ con. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng không khiến anh Tư chùn bước, anh luôn nuôi ước mơ đoàn tụ, tin rằng chỉ khi đất nước hòa bình, giấc mơ nhỏ của mình mới trọn vẹn.

Bạn trẻ hào hứng xem kịch
ẢNH: THÁI PHÚC
Trần Thị Minh Thư (22 tuổi), ngụ đường số 41, P.Linh Đông, TP.Thủ Đức, chia sẻ: “Xem kịch mình như được sống lại những phút giây lịch sử thiêng liêng của dân tộc, vở kịch đã dẫn dắt mình qua biết bao cung bậc cảm xúc, từ hồi hộp, lo lắng đến xao xuyến bồi hồi rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc biết ơn và tự hào”.
Sau khi xem xong vở kịch, khán giả còn được giao lưu với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang. Ông không giấu nổi niềm xúc động khi nhớ về những kỷ niệm cũ được tái hiện trên sân khấu và thấy vui vì thế hệ trẻ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến lịch sử của dân tộc.
Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, xúc động nói: “Xem kịch, mình càng thêm trân quý những gì mà ông cha ta đã gian khổ hy sinh chịu đựng để thế hệ trẻ ngày nay có được những giây phút hòa bình”.
Toàn bộ lợi nhuận từ chương trình kịch nói gây quỹ “Để dành ngày mai ấy” được trao tặng cho Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (TT.Long Hải, H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Ông Tống Đức Bình, giám đốc trung tâm này, cho biết hiện nay cơ sở đang chăm sóc sức khỏe cho 46 thương bệnh binh của hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước.