Sinh viên làm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ bắp

Sinh viên làm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ bắp

bởi

trong

Đặng Thị Tuyết Nghi (trưởng nhóm) cho biết nhà ở Cà Mau (trước đây là tỉnh Bạc Liêu), vùng có truyền thống đan lục bình. Vì vậy, Nghi nghĩ ngay đến hướng khởi nghiệp từ đồ thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu thiên nhiên. Ý tưởng này có ý nghĩa về mặt môi trường và có thể nhân rộng ra cuộc sống nếu thành công. Tuy nhiên, Nghi cũng trăn trở tìm vật liệu khác lục bình để có sự sáng tạo và mới mẻ.

Sinh viên làm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ bắp

Nhóm phấn khởi khi ý tưởng khởi nghiệp có thể ứng dụng ngoài thị trường, mang lại thu nhập

ẢNH: THANH DUY

Sự quyết tâm dần khiến Nghi nghĩ đến vỏ bắp. Nguyên liệu này không cần phải mua, bởi người dân vốn xem như một phế phẩm nông nghiệp. Vỏ bắp có màu sắc, độ bền, độ chắc, độ nhẹ sau khi phơi khô khá lý tưởng. So với lục bình, vỏ bắp có chiều dài ngắn hơn, nhưng về tính chất thì ít bị mốc ẩm vì không có thân xốp.

Thấy khả thi, Nghi trình bày ý tưởng và thuyết phục được 4 sinh viên khác tham gia thực hiện, gồm: Trần Thị Minh Thư, Phạm Thị Quỳnh Như, Phan Hồng Khuyến, Lê Hữu Thắng (cùng học năm 4, Trường ĐH FPT Cần Thơ). Về kỹ thuật đan, Nghi hướng dẫn các bạn, bởi từ năm học cấp 1 nữ sinh này đã được cha mẹ cho tập tành đan lục bình.

Khi bắt tay vào việc, nhóm nhận thấy đan đồ thủ công bằng vỏ bắp khá khó, nhất là kỹ thuật giấu mối nối, vì mỗi vỏ bắp chỉ dài hơn 1 gang tay. Nhóm chỉ sử dụng lớp vỏ bên trong có màu trắng sáng, vỏ ngoài màu xanh được xử lý nấu thành giấy (vẽ tranh – PV). Việc phơi vỏ bắp ngoài ánh nắng tự nhiên trong bao lâu cũng làm nhóm mất nhiều thời gian thử nghiệm.

Sinh viên làm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ bắp - Ảnh 2.

Một số sản phẩm từ vỏ bắp do nhóm sinh viên Trường ĐH FPT thực hiện

ẢNH: THANH DUY

Bằng sự cố gắng, nhóm đã làm hơn 10 sản phẩm khác nhau từ vỏ bắp, như: túi xách, đèn, thảm lót bình hoa, túi đựng bình nước… Tùy sản phẩm sẽ có kiểu đan khác nhau, như kiểu hạt gạo, xương cá, kết sợi (sợi 3 bính, 5 bính hoặc 7 bính). Những sản phẩm này giúp nhóm lọt vào top 30 ý tưởng khởi nghiệp tốt nhất khóa học, sau đó được nhà trường hỗ trợ 50 triệu đồng để tiếp tục triển khai.

Nghi cho biết với số tiền trên, nhóm đã tổ chức 2 buổi workshop nhằm chia sẻ cách khởi nghiệp cho khoảng 30 phụ nữ ở TP.Cần Thơ (trước đây là Sóc Trăng) và 30 sinh viên Trường ĐH FPT Cần Thơ. Ý nghĩa hơn, sản phẩm khởi nghiệp của nhóm không chỉ đáp ứng yêu cầu môn học mà còn gây bất ngờ khi được thị trường đón nhận.

Hiện có hơn 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ bắp của nhóm đang được bày bán tại cửa hàng ART House (TP.Cần Thơ), với mức giá từ 80.000 – 200.000 đồng. Cùng với việc bán online, mỗi tháng nhóm thu lợi nhuận 2 – 3 triệu đồng.

Ông Võ Thiên Ân, giảng viên bộ môn trải nghiệm khởi nghiệp Trường ĐH FPT Cần Thơ, cho biết từ đầu nhóm không đặt nặng vấn đề kinh tế, mà muốn nâng cao nhận thức của người sử dụng về việc sử dụng sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường; nhưng sức lan tỏa và hiệu quả của ý tưởng đã vượt ngoài mong đợi. Hiện nhóm đã kết nối với 5 doanh nghiệp và có 2 chuỗi bán hàng đang hoạt động thực tế. Điều này cho thấy sản phẩm từ vỏ bắp tiềm năng, có nhiều hướng phát triển trên thị trường.