Sinh viên Trung Quốc tại Harvard hủy chuyến bay, tìm lời khuyên pháp lý

Sinh viên Trung Quốc tại Harvard hủy chuyến bay, tìm lời khuyên pháp lý

bởi

trong

Sinh viên Trung Quốc tại Harvard hủy những chuyến bay rời Mỹ vì họ lo ngại sẽ không thể quay trở lại, sau khi chính quyền Trump ra lệnh cấm trường tiếp nhận sinh viên quốc tế.

Trong năm học 2024, lượng sinh viên Trung Quốc vào học ở Harvard chiếm 20% tổng lượng sinh viên quốc tế, là nhóm du học sinh lớn nhất.

“Tôi nghĩ cộng đồng người Trung Quốc chắc chắn cảm thấy mình bị nhắm mục tiêu rõ ràng hơn so với các nhóm khác”, Zhang, 24 tuổi, nghiên cứu sinh vật lý tại Harvard, cho hay, đề cập đến việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 22/5 ban lệnh cấm trường tuyển sinh viên nước ngoài.

“Vài người bạn đã khuyên tôi không nên ở lại chỗ hiện tại nếu mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Họ nghĩ rằng nhân viên từ Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan có thể đưa tôi ra khỏi căn hộ của mình”, anh nói thêm.





Sinh viên Trung Quốc tại Harvard hủy chuyến bay, tìm lời khuyên pháp lý

Bên trong khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Số lượng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 277.000 vào năm 2024 từ mức cao khoảng 370.000 vào năm 2019. Nguyên nhân một phần do căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và việc chính phủ Mỹ giám sát chặt chẽ hơn đối với một số sinh viên Trung Quốc.

Zhang cho biết nhiều sinh viên Trung Quốc tại Harvard đang lo lắng về tình trạng thị thực và triển vọng thực tập, mặc dù không ít người tin rằng trường có khả năng thắng trong các cuộc chiến pháp lý với chính quyền.

Một sinh viên sau đại học người Trung Quốc tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard đã đăng trên nền tảng Xiaohongshu dòng: “Người tị nạn Harvard”, ám chỉ tình cảnh hiện tại của bản thân.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm 22/5 yêu cầu thu hồi ngay lập tức giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP). Đây là cơ chế cho phép các đại học tại Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có visa du học. “Điều này đồng nghĩa Harvard không thể tiếp nhận sinh viên quốc tế và các du học sinh hiện tại phải chuyển đi hoặc mất tình trạng cư trú hợp pháp”, theo thông báo từ Bộ An ninh Nội địa. Quyết định này áp dụng với cả sinh viên và nghiên cứu sinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hành động từ chính quyền sẽ chỉ khiến Mỹ bị “tổn hại hình ảnh và uy tín quốc tế”, đồng thời cam kết “kiên quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp” của sinh viên nước này ở nước ngoài.

Hai sinh viên Trung Quốc giấu tên cho hay họ đã được thêm vào các nhóm trò chuyện trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp, nơi sinh viên nước ngoài hoảng loạn chia sẻ lời khuyên pháp lý về tình trạng nhập cư của mình.

Trong một nhóm chat như vậy, luật sư khuyên sinh viên không nên rời khỏi Mỹ hay thực hiện các chuyến bay nội địa và chờ đợi thông báo từ trường.

Zhang Kaiqi, 21 tuổi, sinh viên cao học ngành y tế công cộng, đã đóng gói hành lý sẵn sàng cho chuyến bay về Trung Quốc vào ngày 23/5. Nhưng khi nghe tin, anh đã vội vàng hủy chuyến bay, mất đi cơ hội thực tập tại một tổ chức phi chính phủ của Mỹ ở Trung Quốc.

“Tôi vừa buồn vừa khó chịu. Ban đầu tôi còn tưởng đây là tin giả”, Zhang nói.

Anh cho biết lo lắng nhất lúc này là những sinh viên Trung Quốc tại Harvard đã nhận được công việc trợ lý nghiên cứu cho mùa hè, vốn gắn liền với tình trạng thị thực và rất quan trọng cho việc xin học tiến sĩ về sau.

Chính quyền Trump cho biết động thái mới nhất này nhằm phản ứng đối với việc Harvard từ chối cung cấp thông tin về sinh viên nước ngoài. Quyết định trên có thể được đảo ngược nếu trường chịu nhượng bộ.

Tuy nhiên, Harvard đã đệ đơn kiện chính quyền. Trong đơn kiện gửi lên tòa án liên bang ở Boston ngày 23/5, Harvard mô tả động thái của Washington “vi phạm trắng trợn” hiến pháp Mỹ và các luật liên bang khác, đồng thời “gây ảnh hưởng ngay lập tức và nghiêm trọng” tới trường cũng như các sinh viên có thị thực hợp pháp.

Harvard cũng yêu cầu thẩm phán ngay lập tức chặn lệnh của Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem. Thẩm phán liên bang Allison Burroughs ở Massachusetts đã chấp nhận, đưa ra lệnh chặn khẩn cấp, nhưng lệnh này chỉ có thời hạn tối đa là hai tuần.

Thẩm phán lên lịch tổ chức phiên điều trần vào 27 và 29/5 để xem xét các bước tiếp theo trong vụ án. Bà sẽ quyết định có ban hành lệnh cấm sơ bộ hay không. Lệnh này chặn hành động của chính quyền cho đến khi có phán quyết cuối cùng về vụ kiện.

Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang những năm gần đây, các gia đình Trung Quốc có xu hướng gửi con cái đi du học tại các quốc gia nói tiếng Anh khác, như Australia hay Singapore.

Pippa Ebel, chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập tại thành phố Quảng Châu, phía nam Trung Quốc, cho hay dù lệnh này không đóng hoàn toàn cánh cửa giáo dục đại học Mỹ, nó “rất có thể là đòn giáng cuối cùng” khiến sinh viên hướng tới những điểm đến khác.

Lệnh cấm “sẽ làm trầm trọng thêm mối lo ngại hiện nay của phụ huynh Trung Quốc”, Ebel nói.

Zhao, 23 tuổi, sinh viên sắp đến Harvard học cao học, quyết tâm tiếp tục học tập tại Mỹ. Tuy nhiên, cô đang cân nhắc hoãn nhập học một năm hoặc chuyển sang trường khác nếu lệnh cấm tiếp diễn.

“Nó thực sự làm xáo trộn kế hoạch cuộc đời tôi. Ban đầu tôi định nộp đơn xin thị thực Mỹ vào đầu tháng 6 và giờ tôi không chắc mình nên làm gì nữa”, cô cho hay.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)