Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở GD-ĐT và lĩnh vực GD-ĐT của phòng chuyên môn thuộc UBND xã, phường để lấy ý kiến góp ý.
7 nhiệm vụ chuyển cho cấp tỉnh
So với văn bản hiện hành, dự thảo lần này có nhiều nội dung điều chỉnh đáng chú ý. Cụ thể, sở GD-ĐT được giao tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện 7 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nay phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Nghị định 143/2025/NĐ-CP.

Dự kiến sở GD-ĐT sẽ được trao quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển đội ngũ nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập
ẢNH: P.H.C
Các nhiệm vụ bao gồm: công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 1 và mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 1 đối với tỉnh; cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ.
Chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị thành lập sang cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận.
Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định cho phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Sở GD-ĐT cũng có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; đánh giá việc đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, sở GD-ĐT được giao toàn bộ việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP.
Trước đây, đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS, các nhiệm vụ này do UBND cấp huyện và phòng GD-ĐT thực hiện.
Bổ sung 2 nhiệm vụ cho chủ tịch UBND xã
Dự thảo thông tư cũng quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về GD-ĐT thuộc phòng văn hóa – xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung 2 nhiệm vụ mới cho chủ tịch UBND xã. Cụ thể, chủ tịch UBND cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý.
Thứ hai, phòng văn hóa – xã hội cấp xã tham mưu, trình chủ tịch UBND xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng thời, tham mưu quyết định công nhận hoặc không công nhận hội đồng trường, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục tư thục theo đúng tiêu chuẩn chức danh và thủ tục pháp luật quy định.
Theo Bộ GD-ĐT, việc xác định rõ phạm vi tham mưu và giới hạn thẩm quyền của cấp xã là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý giáo dục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách tại cơ sở.