Sống ‘Giữa những con sóng’

Sống ‘Giữa những con sóng’

bởi

trong

“Giữa những con sóng” của tác giả Nguyễn Tuấn Thành viết về cách con người vượt qua khó khăn, đương đầu với thăng trầm của cuộc đời.

Tiểu thuyết tâm lý xã hội phát hành tháng 4, khắc họa câu chuyện tình yêu và những vấn đề quen thuộc trong đời sống. Tác giả bắt tay viết tác phẩm vào năm 2023, cốt truyện phát triển từ các ý tưởng kịch bản phim trước đó của anh.

Nhân vật chính là Nguyên, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, từng làm công việc ở sở xây dựng theo diện thu hút nhân tài của tỉnh. Tuy nhiên, bất mãn vì bị giao những đầu việc không đúng chuyên môn và người sếp thích nghe nịnh nọt, nhận hối lộ, anh nghỉ việc, làm kỹ sư tại một công ty xây dựng.

Chàng trai nhận ra “đời như những con sóng dữ, rình rập nhấn chìm anh, buộc anh phải nhoài đạp để nhoi lên, để tồn tại, để hít lấy chút không khí thuần khiết hiếm hoi, nếu không sẽ bị chết chìm, chứ trông mong ai đó quăng cho mình chiếc phao là quá viển vông”.

Tình huống truyện đẩy lên cao trào khi sếp yêu cầu anh im lặng trước vụ sập công trình xây dựng khiến ba công nhân thiệt mạng. Đứng giữa danh vọng và lương tri, Nguyên rơi vào khủng hoảng.

Áp lực công việc, tình yêu không trọn vẹn với Diệu khiến Nguyên bỏ thành phố, rủ Khải, bạn thân, theo tàu cá ra biển với mong muốn được “refresh” bản thân. Tuy nhiên, thuyền gặp bão, các thuyền viên cùng Khải thiệt mạng, Nguyên trôi dạt vào một hòn đảo, được bố con ông Rô – người ngư dân vì biến cố cắt đứt liên hệ với đất liền – cứu sống. Trong hơn một tháng ở đảo, anh hồi tưởng, dằn vặt về cuộc sống, những mối quan hệ.





Sống ‘Giữa những con sóng’

Bìa “Giữa những con sóng” do AI minh họa, sách 312 trang, NXB Văn học và Liên Việt liên kết ấn hành. Ảnh: Liên Việt

Sách viết về hành trình trưởng thành trong tình yêu của Diệu và Nguyên. Vì tự ái, Diệu từng buông lời chia tay để thử thách người yêu. Khi Nguyên gặp nạn, cô tìm về làng chài chờ tin và dần hiểu hơn con người anh, “người tưởng chừng luôn bất mãn với cuộc sống như Nguyên lại hóa ra rất lãng mạn”. Đọc dòng thơ anh viết, Diệu nhận ra mình đã ích kỷ, vô tình khiến người mình yêu lo lắng, bất an. Trong khi đó, ở đảo, Nguyên giữ lòng thủy chung, không để bản thân rơi vào lưới tình với Ngàn, con gái ông Rô, anh viết lên cát: “Diệu ơi, anh yêu em”.

Không chỉ suy ngẫm về tình yêu, nhân vật ân hận về sự ra đi của người quen, bạn bè: “Nếu anh quyết liệt hơn, công trình đã không sập, các công nhân đã không chết. Nếu anh không rủ Khải thuê tàu ra khơi, tàu sẽ không gặp bão biển, sẽ chẳng ai chết”.

Tiểu thuyết đề cập góc khuất, bất công trong xã hội. Lãnh đạo cùng “tay chân” chi tiền điều hướng dư luận, đổ trách nhiệm người đã chết, mua chuộc KOL “dẫn dắt cư dân mạng”, đồng nghiệp sống bon chen, sân si. Song, con người vẫn tìm cách vượt lên cái xấu để sống tử tế, học cách thích nghi. Diệu từ chối yêu cầu làm “truyền thông bẩn” của công ty, Nguyên thu thập bằng chứng tố cáo những việc làm sai của sếp, từ bỏ cơ hội thăng chức.

Truyện gửi gắm thông điệp về cách con người vượt qua “những con sóng”, ở đây, là sóng gió cuộc đời. Nhân vật chính nhận ra: “Không thể đầu hàng dễ dàng được! Anh không thể chết một cách lãng nhách. Phía trước là đất liền, là cỏ cây vươn mình qua khe đá, là Diệu, là tình yêu, là cuộc đời anh, là những gì đã cho anh sức lực, sự mạnh mẽ để đạp lên những con sóng lớn”.

Tác phẩm có lối viết gần gũi, nhẹ nhàng, sử dụng kết cấu truyện lồng truyện, ở chương cuối Mộng mị, nhân vật “anh” xuất hiện, là tác giả của toàn bộ phần truyện trước.

Theo nhà thơ Phạm Anh Xuân, Giữa những con sóng “không có pha quay xe ngoắt nghéo, không quá kịch tính văn chương hay tiểu xảo ngôn từ”. Đọc tiểu thuyết, người đọc “cảm thấy cay. Có thể là cay mắt, cay mũi hoặc cay xè trong tâm tưởng bởi những bát nháo cuộc đời”. Song, anh tiếc khi tiểu thuyết bỏ ngỏ số phận của Ngàn: “Trong khi Nguyên đã về bờ và hân hoan trong tình yêu với Diệu thì Ngàn lại vẫn bơ vơ giữa những con sóng”. Ngàn với trái tim thiếu nữ luôn khao khát trở về đất liền, bởi “thế mới là cuộc sống, ở đây đâu gọi là sống”.

Nói về chi tiết, tác giả Nguyễn Tuấn Thành cho biết: “Tôi muốn người đọc tự tìm lời giải, bởi mỗi người có cách nghĩ khác nhau về vấn đề nói riêng, cuộc sống nói chung”. Song, trước khi rời đảo, Nguyên nói với ông Rô mong muốn về đất liền của Ngàn. Tác giả viết: “Tàu rời bến. Hoàng hôn đốt đám lửa hồng, in xuống mặt biển lấp lánh vũng bạc. Những đụn khói mây lơ lửng giữa không trung. Nguyên đứng trên boong, vẫy tay chào bố con ông Rô. Ngàn liên tục gạt lệ. Một lúc sau, ông Rô ôm con gái vào lòng”. Theo tác giả, với hình ảnh đó, người đọc có thể tin điều tốt đẹp hơn sẽ đến với Ngàn.

Tác giả Nguyễn Tuấn Thành 49 tuổi, từng có 20 năm làm báo. Giữa năm 2019, anh chuyển sang lĩnh vực truyền thông cho doanh nghiệp. Với kinh nghiệm trong nghề báo chí, anh có cơ hội trải nghiệm, lồng ghép những vấn đề thời sự, cuộc sống hàng ngày vào trang viết. Anh nhận giải Biên kịch xuất sắc giải Cánh Diều Vàng năm 2016, cùng biên kịch Chu Hồng Vân cho phim truyền hình Lựa chọn cuối cùng (2016).

Châu Anh