Sóng ngầm căng thẳng bao quanh đàm phán Mỹ – Trung

Sóng ngầm căng thẳng bao quanh đàm phán Mỹ – Trung

bởi

trong

Cuộc đàm phán dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Phó thủ tướng Hà Lập Phong và dẫn đầu phía Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.

Sự cứng rắn của cả hai bên

Hôm qua (8.5), trả lời báo chí ngay trước thềm đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phía Trung Quốc đề xuất đàm phán. Thông tin này hoàn toàn ngược lại với phía Bắc Kinh vốn công bố rằng quan chức Mỹ đã chủ động liên hệ để đàm phán.

Sóng ngầm căng thẳng bao quanh đàm phán Mỹ – Trung

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng

Ảnh: Reuters

Không những vậy, Tổng thống Trump còn tuyên bố sẽ không cắt giảm thuế để thúc đẩy đàm phán. Quan điểm này cũng ngược lại với thông điệp công khai từ Bắc Kinh là Washington đã đơn phương áp đặt tăng thuế nên phải chủ động hạ thuế để hai bên đối thoại tìm kiếm giải pháp.

Cả hai bên đều tỏ ra không nhún nhường nhau. Chính vì thế, trả lời truyền thông, Bộ trưởng Bessent cũng thừa nhận rằng chỉ hy vọng cuộc đàm phán có thể làm giảm leo thang giữa hai bên, chứ không kỳ vọng sẽ đạt thỏa thuận lớn nào. Giới quan sát nhận định Trung Quốc không muốn thể hiện một hình ảnh yếu đuối trước Mỹ nên hai bên khó có thể đạt thỏa thuận đột phá nào, nhất là khi các bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh đang rất sâu sắc đến mức khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.

Căng thẳng tình báo

Giữa bối cảnh như vậy, Bắc Kinh vừa lên tiếng chỉ trích Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vì đã “công khai xúi giục” quan chức Trung Quốc đào tẩu. Bắc Kinh tuyên bố sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để kiên quyết tấn công “sự xâm nhập và phá hoại” của các thế lực bên ngoài nhằm vào Trung Quốc.

Trước đó, CIA thông qua mạng xã hội đã phát đi clip mang tên “Cho cuộc sống tốt hơn” có phụ đề tiếng bằng tiếng Hoa, với nội dung mô tả quan chức Trung Quốc đang gặp nhiều áp lực và biện pháp giải thoát chính là liên hệ cung cấp thông tin cho CIA. Trong đó, CIA hướng dẫn cách cung cấp thông tin bảo mật.

Đánh giá về động thái của CIA khi trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận xét: “Thời gian qua, Trung Quốc tiến hành chiến dịch phòng chống tham nhũng và xử lý cán bộ phạm tội hình sự. Dù là nguyên nhân gì thì diễn biến đó cũng tác động không nhỏ đến các cán bộ nhà nước, bao gồm cả những vị trí cấp cao. Hơn thế nữa, đội ngũ cán bộ nhà nước Trung Quốc cách đây chưa lâu phải trải qua những căng thẳng do các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 mà nước này dỡ bỏ khá chậm so với các nước khác. Rồi hiện nay là các thách thức do thương chiến và kinh tế khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, CIA hy vọng có thể tận dụng “tâm tư” từ đội ngũ cán bộ Trung Quốc để tác động, tìm cách thu thập thông tin, tìm hiểu tình hình nội bộ của Trung Quốc”.

Tương tự, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii – Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: “Trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay, nhiều quan chức có thể bị tác động từ bên ngoài vì đang chịu áp lực khá lớn. Hồi cuối thập niên 1920 và thập niên 1930, sau khi nhà lãnh đạo Joseph Stalin của Liên Xô theo đuổi một số chính sách mới cũng như tăng cường củng cố nội bộ, nhiều quan chức nước này, đặc biệt là các quan chức tình báo, đã bỏ trốn sang Mỹ, Anh nhưng Washington và London đã phớt lờ số quan chức Liên Xô bỏ trốn. Sau đó, người Mỹ đã nhận ra rằng đó là nguồn tin quan trọng. Sau thời ông Stalin, khi các quan chức Liên Xô bỏ trốn sang Mỹ, Washington đã khai thác số này nhiều hơn và có được không ít thông tin quan trọng bên trong Liên Xô. Giờ đây, CIA hy vọng bằng cách tương tự để tìm hiểu nội tình Bắc Kinh”.

Có lẽ chính vì vậy, hành động vừa qua của CIA đã gây căng thẳng không nhỏ giữa Bắc Kinh và Washington, đặc biệt là giữa lúc thương chiến hai bên đang leo thang, đồng thời còn cạnh tranh quyết liệt ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trung Quốc giảm lãi suất điều hành để ứng phó thương chiến

Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa thông báo cắt giảm lãi suất và tăng cường thanh khoản vào hệ thống tài chính nhằm củng cố nền kinh tế để đối phó thương chiến đang xảy ra giữa nước này với Mỹ, theo Reuters.

Biện pháp trên được chính phủ Trung Quốc giới thiệu như là một phần trong “gói chính sách để ổn định thị trường”. Gói chính sách này thực tế chỉ là mở rộng các biện pháp tương tự trước đó, như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng. Điều này khiến giới quan sát có phần thất vọng vì Trung Quốc chưa đưa biện pháp đủ để trở thành cú hích mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tiêu dùng.