Tường nhà nứt nẻ, sợ sập nhà nên từ nhiều tháng qua, vợ chồng ông Phan Văn Khoa (ngụ xóm Yên Xuân, xã Tân Xuân) phải xuống ngủ ở căn bếp xập xệ. Ông Khoa cho biết vết nứt xuất hiện sau lần Mỏ đá Lèn Bút nổ mìn vào cuối năm 2024. “Mỏ đá này đã dừng khai thác mấy năm qua vì bị người dân phản đối, tuy nhiên năm ngoái họ thông báo sẽ hoạt động trở lại, sau đó cho nổ mìn. Họ mới nổ mìn mấy đợt mà nhà cửa đã bị nứt vì mỏ đá quá gần nhà dân”, ông Khoa nói.
Chị Lê Thị Oanh (34 tuổi, hàng xóm của ông Khoa, nhà cách mỏ đá chỉ hơn 100 m) cũng cho hay mỗi lần mỏ đá đánh mìn, tiếng nổ lớn như bom. Căn nhà của vợ chồng chị Oanh xây dựng từ 5 năm trước, sau những lần nổ mìn gần đây, trên tường xuất hiện chi chít vết nứt.

Mỏ đá Lèn Bút nằm rất gần khu dân cư
ẢNH: KHÁNH HOAN
Tương tự, bà Hoàng Thị Hoa (50 tuổi), nhà gần mỏ đá, cho biết mỗi khi mỏ hoạt động, bà không dám ở nhà vì sợ sập. “Không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, gia đình tôi và và nhiều hộ dân khác phải chịu tiếng ồn và bụi đá từ máy nghiền thuộc mỏ đá này đổ xuống. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chúng tôi phải bỏ nhà đi nơi khác”, bà Hoa bức xúc.
Không chỉ lo mất an toàn vì nhà cửa hư hỏng, người dân ở đây còn tố mỏ đá Lèn Bút hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. “Mạch nước ngầm ở xóm này chảy từ trên mỏ đá xuống. Trước đây, mỗi khi mỏ đá hoạt động rầm rộ, người dân chúng tôi bơm nước lên đã phải bỏ đi vì rất nhiều váng dầu. Dầu phục vụ cho máy móc khai thác đá bị đổ xuống mạch nước từ trên đó, thấm vào nguồn nước sinh hoạt”, ông Khoa nói.

Người dân không chỉ lo lắng việc nổ mìn gây nguy hiểm mà còn lo ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước
ẢNH: KHÁNH HOAN
ĐÁ RƠI XUYÊN THỦNG MÁI NHÀ
Mỏ Lèn Bút được cấp phép khai thác đá hoa trắng từ năm 2009. Sau một thời gian mỏ hoạt động, người dân phản đối quyết liệt vì ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, buộc chủ mỏ đá phải dừng khai thác. Bà Nguyễn Thị Hòa (75 tuổi, ngụ gần mỏ đá) cho biết năm 2009, khi mỏ đá này vừa khai thác, gia đình bà đã bị một phen hú vía. “Hôm đó cháu tôi đang nằm trên giường thì họ nổ mìn. Một loạt tiếng nổ long trời vang lên, sau đó một hòn đá to bằng cái bát từ mỏ văng xuống, xuyên thủng mái ngói, rơi ngay cạnh giường, may mà không trúng cháu tôi”, bà Hòa kể. Người dân ở đây cũng cho hay mỗi khi nổ mìn, nhiều trẻ em hoảng sợ, khóc thét vì tiếng mìn “như bom dội”.
Sau thời gian dừng khai thác, năm trước một doanh nghiệp đã mua lại mỏ đá này và thông báo hoạt động trở lại từ tháng 4.2024. Tuy nhiên, mỏ mới hoạt động thử đã tiếp tục bị người dân phản đối.

Tường nhà người dân bị nứt sau khi mỏ đá cho nổ mìn
ẢNH: KHÁNH HOAN
Ông Phan Vũ Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, cho biết người dân không chỉ lo lắng việc nổ mìn gây nguy hiểm mà còn lo ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. “Quan điểm của chính quyền là mong muốn rút giấy phép mỏ đá này, không khai thác nữa”, ông Hùng nói. Ông cũng cho hay sau khi xã kiểm tra cho thấy có hộ bị ảnh hưởng nặng, yêu cầu đền bù 600 triệu đồng, những hộ khác thì chưa đưa ra số tiền cụ thể.
Cũng theo lời ông Hùng, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa các bên nhưng chưa có kết quả. Sau khi nổ mìn dọn bãi, vì vấp phải sự phản đối của người dân, chủ mỏ định đưa máy móc ra khỏi mỏ để di chuyển đi nơi khác nhưng bị người dân ngăn cản, yêu cầu phải kiểm tra nhà cửa để bồi thường.
Một lãnh đạo UBND H.Tân Kỳ cho hay sau khi nhận được phản ánh về mỏ đá Lèn Bút, huyện đã cho kiểm tra và đề nghị chủ mỏ có giải pháp bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng. Huyện cũng yêu cầu chủ mỏ phải lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp để hạn chế ảnh hưởng tới người dân xung quanh khu vực mỏ, với quan điểm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.