Có khi nào bạn tự hỏi, vì sao giữa trung tâm Sài Gòn lại có những tên đường rất “Tây” như Pasteur, Calmette, Yersin hay Alexandre De Rhodes?
Không chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên, mỗi tên đường ấy đều gắn với một phần lịch sử, với những người ngoại quốc đã bước vào đời sống Việt Nam bằng sự tận tụy, đóng góp bằng cả tri thức và trái tim.
Vì sao lại có tên đường “Tây”?
Rạch Bến Nghé chảy ra sông Sài Gòn là nơi 3 tuyến đường trung tâm mang tên người ngoại quốc của TP.HCM. Đó là đường Pasteur, Yersin và Calmette.
Giữa trung tâm Q.1, đường Alexandre De Rhodes dài vỏn vẹn khoảng 280 mét nhưng lại mang một câu chuyện đồ sộ. Từng được gọi là đường Paracels (Hoàng Sa), Colombert và Thái Văn Lung, đoạn phố này nay mang tên của vị linh mục người Pháp – Alexandre De Rhodes.


Mặc dù chỉ dài khoảng 280 m nhưng con đường Alexandre De Rhodes vô cùng mát mẻ
ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
Lật dở cuốn sách Đường phố nội thành TP.HCM của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, chúng tôi biết được rằng, vị linh mục này là người có công trong việc sáng chế chữ Quốc ngữ. Lúc về nước, ông còn cho xuất bản cuốn Từ điển Việt – Bồ – La còn lưu truyền đến ngày nay như một di sản tri thức quan trọng của nhân loại.
Cạnh đó là đường Pasteur, một trong những tuyến đường lâu đời nhất của thành phố. Tên gọi ngày nay được khôi phục sau nhiều lần thay đổi, từ Pellerin, đến Nguyễn Thị Minh Khai rồi lại trở về Pasteur năm 1991.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, Louis Pasteur là một nhà bác học lừng danh nước Pháp, được cả thế giới vinh danh là người phát minh ra khoa vi trùng học, sự lên men, phương pháp trị bệnh cho con tằm, các bệnh truyền nhiễm. Ông là cảm hứng để các hậu bối như ông Yersin, ông Calmette kế tục sự nghiệp của ông trong ngành y và để lại dấu ấn sâu đậm trên đất Việt.


Đường Pasteur nằm kế bên đường đường Alexandre De Rhodes
ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
Đường Calmette (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) được đặt theo tên của nhà bác học người Pháp – Albert Calmette. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, năm 1890, ông sang Việt Nam và khởi công nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm như chó dại, đậu mùa. Ông còn tìm ra thuốc rắn cắn và men rượu, giúp cho ngành nấu rượu tiến bộ vượt bậc.
Không thể không nhắc đến Yersin, người được nhiều người dân Nha Trang gọi thân thương là “ông Năm”. Sau thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm Pasteur ở Pháp, ông sang Viễn Đông (một thuật ngữ dùng để chỉ các quốc gia Đông Á) và gắn bó với Việt Nam đến cuối đời.
Yersin là người nghiên cứu và phát minh loại vắc xin phòng bệnh dịch hạch bùng phát tại Quảng Châu, mở ra cơ hội cứu sống hàng triệu người. Đối với Việt Nam, ông còn có công lập ra các viện Pasteur, lập vườn trồng thí nghiệm cây cao su ở Suối Dầu, lập nên Trường Đại học Y Hà Nội. Gần như mọi sáng tạo của ông đều gắn với sự phát triển của xứ sở mà ông chọn làm quê hương.
Ông Trần Văn Hiếu (62 tuổi), vị khách tại một quán cà phê trên đường Yersin kể lại: “Tôi sống ở gần đường Yersin từ hồi xưa. Khi ấy, khu này chỉ có vài cửa hàng nhỏ. Nhưng cái tên Yersin thì tôi biết từ nhỏ, vì ba tôi từng nói ông là người Tây mà thương dân mình lắm. Ông chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo nên được dân thương, gọi là ông Năm”.
Đường “Tây” nhưng thân quen với người Việt
Trong dòng chảy đô thị của TP.HCM, những con đường mang tên người nước ngoài là một điểm nhấn đặc biệt. Tên gọi tuy có phần lạ lẫm, khó đọc đúng nhưng chính những nhầm lẫn đáng yêu trong cách gọi đã khiến cái tên xa lạ dần trở nên gần gũi với người dân.
Dừng chân ở đường Calmette (Q.1) chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước cách đọc tên đường của người dân nơi đây. Ông Hoàng Minh Tôn (50 tuổi) và nhóm bạn của ông, mỗi người lại có một cách đọc khác nhau.

Đoạn giao giữa đường Yersin và đường Lê Thị Hồng Gấm (Q.1)
ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
“Chúng tôi sống ở đây, nhiều người dừng xe hỏi đường, có khi nói đến méo miệng mà họ vẫn không hiểu. Có người đọc là đường cam – mét, có người đọc can – mét – te, cũng có người đọc can – lờ – mét. Vì vốn dĩ tiếng nước ngoài chúng tôi không rành, không phát âm chuẩn, nghe cha mẹ đọc sao thì đọc theo vậy thôi”, ông Hoàng dí dỏm.
Sống ở đường Calmette lâu năm, ông Hoàng nói chính những sự nhầm lẫn ấy lại làm nên một nét rất chân thật, giản dị, đáng nhớ của đường phố TP.HCM.
Hay con đường Yersin, đọc đúng phải là “Yec – xanh” nhưng vẫn có nhiều người đọc là “Dơ – sin” hay “Dét – sin”. Vì Yersin là một bác sĩ người Pháp nên tên của ông nếu đọc đúng cũng phải đọc theo tiếng Pháp.

Đường Yersin có nhiều cây xanh mát mẻ
ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
Anh Huỳnh Văn Lộc (34 tuổi) là một shipper hay giao hàng ở khu vực những con đường mang tên người nước ngoài này chia sẻ, thời gian đầu khi mới được phân công khu vực, anh khá ngại vì không rành tiếng nước ngoài.
“Hồi đó, tôi tra Google tên đường, Google đọc phát âm rất khó nghe. Có khi dừng lại hỏi người dân, tôi lại không biết đọc sao cho đúng, đọc sai thì sợ xấu hổ. Nhưng lâu dần cũng thành quen, những người sống ở đây lâu năm họ nhạy lắm. Nhiều khi mình đọc sai bét nhưng họ vẫn hiểu và nhiệt tình chỉ đường”, anh Lộc nói.
TP.HCM có vài nghìn con đường, mỗi con đường lại mang một màu sắc riêng. Những con đường mang tên người nước ngoài như góp thêm sắc màu cho đường phố nội thành ở TP.HCM.