Sự thật về nhóm người biểu tình chống thủ tướng Thái Lan

Sự thật về nhóm người biểu tình chống thủ tướng Thái Lan

bởi

trong
Sự thật về nhóm người biểu tình chống thủ tướng Thái Lan

Bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, cho thấy một nhóm người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra từ chức – Ảnh: AFP

Gần đây, mạng xã hội Facebook và TikTok lan truyền một số bài đăng phản đối Chính phủ Thái Lan, cho thấy người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra từ chức, trong bối cảnh bà đang chịu sức ép chính trị nghiêm trọng.

Đáng chú ý là một bức ảnh được chia sẻ trên Facebook từ ngày 25 đến 27-6, mô tả nhóm người trong ảnh là các “Chiến binh Sriwichai”, lực lượng được cho là có liên hệ với phong trào “Áo Vàng” – phe chống đối gia đình Shinawatra từ những năm 2000.

Bài đăng nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, nhất là sau khi bà Paetongtarn bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ hôm 1-7 để điều tra hành vi vi phạm đạo đức bộ trưởng.

Trước đó, bà bị chỉ trích vì sử dụng ngôn từ được cho là không phù hợp trong cuộc điện đàm với cựu thủ tướng Campuchia Hun Sen – gọi ông là “chú” và một tướng Thái là “đối thủ”, sự việc đã gây tranh cãi gay gắt trong dư luận Thái Lan.

Tuy nhiên theo kiểm chứng của Hãng tin AFP, dù bà Paetongtarn đang vấp phải làn sóng chỉ trích trong nước, bức ảnh lan truyền nói trên là giả và nhiều khả năng được tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

AFP chỉ ra nhiều chi tiết bất thường trong ảnh như mắt và khuôn mặt méo mó, ngón tay biến mất, biểu tượng trên cờ và áo không khớp, bóng đổ không tự nhiên, đây vốn là những lỗi thường thấy trong hình ảnh do AI tạo ra.

Thái Lan - Ảnh 2.

Những chi tiết vô lý, sai lệch được các chuyên gia phát hiện – Ảnh: AFP

Đồng thời khi so sánh với hình ảnh đường phố trên Google Maps tại khu vực nhóm người này đang tụ tập, được cho là Đài tưởng niệm Chiến thắng ở Bangkok, một số chi tiết như công trình và vạch kẻ đường bị thiếu đi, không trùng khớp với khung cảnh ngoài đời.

Thái Lan - Ảnh 3.

Khung cảnh trong hình không khớp với khung cảnh ngoài đời thực – Ảnh: AFP

Ngoài ra, công cụ phát hiện AI Hive Moderation cũng xác định có đến 99,5% khả năng bức ảnh là do AI tạo ra.

Thái Lan - Ảnh 4.

Công cụ phát hiện AI xác định có đến 99,5% khả năng tấm ảnh là sản phẩm của AI – Ảnh: AFP

Trong bối cảnh căng thẳng Thái Lan – Campuchia đang leo thang do tranh chấp biên giới, AFP cảnh báo ngày càng nhiều thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội.

AFP cho biết hãng từng nhiều lần kiểm chứng những nội dung sai lệch liên quan đến xung đột Thái Lan – Campuchia., khuyến cáo người dùng thận trọng trước những thông tin trên mạng xã hội, nhằm tránh lan truyền tin giả và gây hoang mang dư luận.