
Hình ảnh một ổ điện “tan tành” sau vụ chập cháy vì dùng dây cáp không phù hợp – Ảnh: NVCC
Mặc dù hầu hết các loại xe điện và xe hybrid cắm điện đều có dây cáp để người dùng có thể sạc từ ổ điện gia đình hay các trạm công cộng, nhưng do các tiêu chuẩn khác nhau, đôi khi người dùng sẽ phải mua thêm cáp sạc.
Tuy nhiên cáp sạc chính hãng thường rất đắt, một số hãng có hệ thống đại lý còn hạn chế dẫn đến việc mua không thuận tiện. Do đó nhiều người đã sử dụng dây cáp mua của bên thứ ba, đặc biệt nếu họ chỉ có nhu cầu mua dự phòng, dùng tạm thời hoặc có ngân sách eo hẹp. Điều này khiến người dùng đứng trước nguy hiểm tiềm ẩn mà không hề hay biết.
Cáp sạc có thể trở thành “thủ phạm” gây hỏa hoạn
Anh Đăng Khoa, sống ở TP.HCM, một người đã có nhiều kinh nghiệm với các loại xe khác nhau, từng trải qua một trải nghiệm kinh hoàng như vậy. Anh cho biết từng cầm lái một chiếc xe điện được quảng cáo là có “khả năng sạc linh hoạt ở bất kỳ ổ điện gia dụng nào”.
Ngày đầu tiên sạc ở ổ điện có chân cắm phù hợp, mọi thứ đều diễn ra bình thường. Đến ngày thứ hai, anh phải nhờ một người em cắm sạc xe ở ổ điện khác. Nhưng chân cắm ổ này lại không hợp với bộ sạc xe. Người em đó phải đi kiếm đầu đổi adapter gắn trung gian mới sạc được. Đây cũng là thời điểm xảy ra trải nghiệm “đáng nhớ”.


Anh Khoa rút ra kết luận: Khi sử dụng xe điện, dây cáp cũng quan trọng không kém gì chiếc xe – Ảnh: NVCC
“Vừa cắm được 5-10 phút, tôi đang ngồi phòng làm việc gần đó nghe tiếng nổ đùng đùng. Chạy ra hành lang thì thấy khói bốc ra kèm ánh lửa lấp ló từ cái phòng xe đang đậu. Anh em chẳng nói chẳng rằng bay vào phòng dập lửa. Hên sao lửa chỉ kịp cháy cong queo cái adapter và đầu phích cắm thì lụi tàn. Không lan rộng ra thêm. May! Ai cũng thở phào nhẹ nhõm”, anh Khoa kể lại.
Sau khi đảm bảo mối nguy hiểm đã được dập tắt hoàn toàn, anh Khoa cùng bạn bè tìm hiểu nguyên nhân sự việc để rút kinh nghiệm.
“Hóa ra là cái adapter chất lượng kém không thể gánh nổi tải 2,2kW của bộ sạc xe. Oái ăm là lúc cắm vào không có biểu hiện gì bất thường nên mọi người cũng ỷ y bỏ đi làm việc khác. Khi cắm đủ lâu ở tình trạng quá tải, các thành phần bên trong adapter sẽ nóng chảy dần và dẫn đến cháy nổ nếu không phát hiện kịp”, anh Khoa cho biết.
Cũng từ vụ việc này anh đi đến kết luận: “Combo thiếu hiểu biết khi chọn thiết bị điện cộng với một chút bất cẩn là có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Nhiều khi chúng ta tiết kiệm vài đồng bạc cho đồ dỏm, mà cái giá phải trả sau đó lại đắt không tưởng. Nếu hậu quả còn khắc phục được bằng tiền như trường hợp của mình là còn chưa đắt.
Khi cháy nổ xe điện thì có lẽ ai cũng nghĩ vấn đề nằm ở xe. Tuy nhiên ít người biết cơ chế bảo vệ ‘fail safe’ của xe điện ngày nay cực kỳ tinh vi. Chiếc xe điện lần đó vẫn hoạt động bình thường sau vụ cháy adapter do quá tải.
Thành ra nếu bạn đi xe điện và sạc xe tại nhà thì hãy rà soát lại thiết bị điện xem có đúng chuẩn, đúng tải hay không. Nếu còn mơ hồ về vấn đề này, nên nhờ những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm kiểm tra lại cho chắc. Không đùa được với điện đâu”.
Giải oan cho xe điện
Anh Khoa không phải người duy nhất có trải nghiệm như vậy. Một người dùng Facebook chia sẻ bên dưới bài đăng của anh: “Cục này mình cũng bị, do rẻ tiền nên lõi nhôm chứ không phải đồng. Đợt xe xì khói, hên mình chỉ sạc xe ban ngày nên phát hiện kịp thời”.

Chiếc Nissan Leaf bốc cháy được khẳng định là do dùng dây cáp không đạt chuẩn – Ảnh: Drive
Trước đó tháng 9-2024, một chiếc xe điện Nissan Leaf đã bốc cháy ở Melbourne (Úc), phá hủy gara của ngôi nhà nơi xe đỗ. Rất may dù có hai người và một con chó ở nhà vào thời điểm đó nhưng họ đã thoát ra ngoài mà không hề hấn gì.
Theo trang Drive dẫn lời đội cứu hỏa cho biết nguyên nhân là do sử dụng dây cáp không chính hãng để sạc xe. Cũng từ vụ việc này, lực lượng cứu hỏa Úc khuyến cáo các chủ xe sử dụng thiết bị sạc tương thích, chỉ sử dụng hàng chính hãng cũng như mua xe/phụ tùng phụ kiện được chứng nhận tuân thủ các quy định an toàn.
Theo Drive, một nửa các vụ cháy xe điện ở Úc liên quan đến các yếu tố bên ngoài chứ không nằm ở bản thân chiếc xe.
Tạp chí uy tín về xe của Anh What Car? đã tiến hành một nghiên cứu cũng khẳng định, việc sử dụng các thiết bị không đạt chuẩn tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Những trang mạng hay các đơn vị bán hàng “lạ” thường không có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm tra tính an toàn của các sản phẩm được bán ra.
Trong khi đó, những đơn vị bán lẻ chính hãng hoặc bên thứ ba có liên kết với chính hãng sẽ phải đảm bảo điều này.

Việc sử dụng dây cáp đạt chuẩn sẽ hạn chế rất lớn nguy cơ chập cháy – Ảnh minh họa: What Car?
Nghiên cứu của Văn phòng Tiêu chuẩn và An toàn sản phẩm của Chính phủ (OPSS) phát hiện ra rằng, trong số các mặt hàng điện nói chung được bán trực tuyến, 63% không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Anh và 23% không an toàn.
Trong khi đó, trong nghiên cứu của tổ chức từ thiện về an toàn sản phẩm điện Electrical Safety First, 14/15 mặt hàng điện mà tổ chức này mua từ các chợ trực tuyến và thử nghiệm được phát hiện là không an toàn.
Khi xe điện ngày càng phổ biến, các thiết bị phụ tùng có liên quan cũng ngày càng nhiều, và đó là cơ hội để sản phẩm kém chất lượng trà trộn. Một chuyên gia nói với What Car?: “Khác với chiếc xe, người dùng thường không quen mặt với nhà sản xuất những thứ như cáp sạc. Vì vậy họ khó đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng, cũng khó biết người bán có uy tín hay không”.
Do đó cách tốt nhất để tránh rủi ro vẫn là mua các sản phẩm chính hãng. Giá bán có thể không rẻ, nhưng chắc chắn thấp hơn thiệt hại mà các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc mang lại.