
Chủ tịch nước Lương Cường cùng các lãnh đạo dự cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn – Ảnh: THANH HIỆP
Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất với ba điểm cầu tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), di tích Quốc gia đặc biệt khu vực Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (Quảng Trị) và Công viên Bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức (TP.HCM).
Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h10 ngày 27-4 trên kênh VTV1.

Chủ tịch nước Lương Cường đến tham dự chương trình tại điểm cầu TP.HCM – Ảnh: THANH HIỆP
Dự điểm cầu TP.HCM có Chủ tịch nước Lương Cường; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội – Ảnh: DANH KHANG
Dự điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; Phó thủ tướng Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các lãnh đạo dự chương trình từ điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: HOÀNG TÁO
Tại điểm cầu Quảng Trị, có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Tham dự ba điểm cầu còn có các ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, nhân chứng lịch sử…
Cầu truyền hình hoành tráng mừng 50 năm thống nhất
Công viên Thống Nhất, khánh thành năm 1961, là biểu tượng lịch sử của khát vọng hoà bình, Bắc Nam sum họp.
Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình.

Tiết mục Câu hò bên bờ Hiền Lương – Ảnh: HOÀNG TÁO
Còn công viên bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.
Tái hiện khúc khải hoàn mừng 50 năm thống nhất tại ba điểm cầu lịch sử và ba chương “Khát vọng hoà bình”, “Ý chí độc lập thống nhất” và “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”, cầu truyền hình dựng lại trang sử hào hùng của dân tộc trong quá khứ, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Tổ khúc múa Giải phóng miền Nam ở điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: HOÀNG TÁO

Tổ khúc múa Giải phóng miền Nam ở điểm cầu TP.HCM – Ảnh: THANH HIỆP
Dòng sông Bến Hải chảy giữa đôi bờ Hiền Lương, một thời là ranh giới đau thương nhưng không thể ngăn được ước nguyện thống nhất trong trái tim mỗi người con Việt Nam.
Vang lên tại đây sau nửa thế kỷ, cầu truyền hình mở màn bằng Câu hò bên bờ Hiền Lương do NSƯT Hồng Liên – Khánh Linh thể hiện; để rồi xuôi vào Nam, hoạt cảnh cải lương Lý con sáo diễn tả tâm hồn người Nam bộ kiên trung, từ réo rắt sang hùng tráng.


Làn điệu Lý con sáo, Trên công trường rộn tiếng ca – Ảnh: THANH HIỆP – DANH KHANG
Với tiết mục Trên công trường rộn tiếng ca qua sự dàn dựng của NSND Trần Ly Ly, Hà Lê và ca nương Kiều Anh đã có một màn thể hiện ăn ý, gợi lại không khí lao động hăng say, đầy lạc quan của những người thi đua xây dựng đất nước.
Trong khi đó Phạm Thu Hà mang đến ca khúc Xa khơi, nói về nỗi lòng của một cô gái gửi lời nhớ thương tới người anh đang ở bên kia vĩ tuyến, mong đất nước sớm về một mối.

Từ điểm cầu công viên Thống Nhất, Hà Nội – Ảnh: DANH KHANG


Các cựu chiến binh, khán giả xem chương trình bên cầu Hiền Lương, tại di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Phía sau là hàng dài cờ giải phóng trên cầu Hiền Lương mới, trên quốc lộ 1 – Ảnh: HOÀNG TÁO
Xúc động nghe lại lời kêu gọi của Bác
Khán giả xúc động khi nghe lại Lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 17-7-1966 sau gần 60 năm.
“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, người dân Việt Nam lên đường cứu quốc.


Thực cảnh “Hà Nội niềm tin hy vọng” – Ảnh: DANH KHANG
Bà Lê Thị Như Học kể về những ngày hăng say lao động sản xuất, các phong trào quần chúng tiêu biểu như “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ và phong trào “một người làm việc bằng hai” trên cả miền Bắc. Tất cả vì tiền tuyến và miền Nam ruột thịt.
Trong những năm tháng ác liệt ấy, cả một thế hệ thanh niên, học sinh và sinh viên miền Bắc đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.
Trên mọi miền đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, đâu đâu cũng có thanh niên xung phong: xung phong vào bộ đội, xung phong đi đến những nơi xa xôi, gian khổ nhất.