Tại sao nên bỏ cây lau nhà truyền thống?

Tại sao nên bỏ cây lau nhà truyền thống?

bởi

trong

Cây lau nhà quen thuộc trong các gia đình đang dần lỗi thời, kém hiệu quả và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh.

Trong nhiều thập kỷ, cây lau nhà bằng dây cotton bện xoắn được xem là giải pháp lau sàn tiêu chuẩn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia vệ sinh, phương pháp này không những không đảm bảo sạch mà còn có thể gây lan truyền vi khuẩn.

Khi sử dụng cây lau nhà, mọi người sẽ nhúng vào xô chứa dung dịch tẩy rửa, vắt khô rồi chà mạnh trên bề mặt cần làm sạch.

Vấn đề nằm ở chỗ, sau mỗi lần nhúng, nước trong xô ngày càng bẩn, đồng thời đầu lau, nếu không được thay hoặc giặt kỹ, sẽ mang theo vi khuẩn và cặn bẩn từ chỗ này sang chỗ khác.

“Cây lau nhà thường chỉ giúp pha loãng bụi bẩn chứ không loại bỏ được chúng”, chuyên gia vệ sinh Kadi Dulude, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty dịch vụ vệ sinhWizard of Homes, Mỹ, cho biết. “Thực tế, bạn đang khiến vết bẩn lan rộng hơn trên sàn nhà mà không hề hay biết”.





Tại sao nên bỏ cây lau nhà truyền thống?

Ảnh minh họa: Spruce

Một số doanh nghiệp không sử dụng dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp có thể dùng cùng một đầu lau trong nhiều ngày. Điều này khiến tích tụ vi khuẩn, thậm chí có thể gây ra mùi hôi.

Cùng với sự phát triển của công nghệ vệ sinh, nhiều thiết bị hiện đại ra đời, trong đó có cây gạt nước, được xem là một trong những giải pháp thay thế hiệu quả nhất cho cây lau nhà.

Khác với đầu dây thấm nước, các cây gạt nước hiện đại sử dụng bọt xốp ô kín hoặc cao su kháng khuẩn. Thiết kế này không chỉ ngăn sự phát triển của vi khuẩn mà còn dễ dàng làm sạch, không giữ nước bẩn bên trong.

Cây gạt nước còn có khả năng làm sạch hiệu quả trên các bề mặt không bằng phẳng như gạch lát nhà vệ sinh, nhờ các tế bào cao su linh hoạt có thể luồn vào khe nứt. Một số mẫu còn tích hợp bàn chải chà và tay cầm công thái học, giúp giảm nguy cơ chấn thương do thao tác sai cách.

Những lưu ý khi vẫn dùng cây lau nhà

Nếu vẫn sử dụng cây lau nhà truyền thống, chuyên gia khuyến cáo nên tráng đầu lau trong bồn rửa thay vì xô nước bẩn và giặt sạch sau mỗi lần sử dụng. Các đầu lau có thể tháo rời nên được giặt bằng máy cùng với khăn lau để đảm bảo vệ sinh.

“Nước trong xô có thể bị bẩn rất nhanh, do đó bạn sẽ làm nước lau nhà bẩn bắn ra sàn thay vì làm sạch”, Dulude nói. Bà khuyên nên rửa sạch đầu lau càng nhiều càng tốt trong quá trình lau dọn và giặt kỹ sau mỗi lần sử dụng.

Theo Dulude, nên thay đầu lau mỗi 3-6 tháng, hoặc sớm hơn nếu sợi lau bắt đầu rách, mục. Việc sử dụng cây lau không sạch có thể khiến sàn nhà bẩn hơn thực tế.

Mẹo vệ sinh sàn hiệu quả

Bất kể loại cây lau nào được sử dụng, việc vệ sinh đúng cách là yếu tố then chốt để giữ không gian sạch sẽ:

– Luôn quét hoặc hút bụi trước khi lau sàn để tránh kéo theo bụi bẩn khi lau.

– Lau sàn ít nhất một lần mỗi tuần; với khu vực đông người, nên lau 2-4 lần một tuần.

– Với sàn gỗ cứng, chỉ nên lau khô hoặc lau ẩm nhẹ để tránh gây hư hại.

– Tránh dùng sản phẩm “lau và đánh bóng” vì dễ để lại cặn bẩn trên sàn.

Nhật Minh (Theo Spuce/1stcallcleaning)