Chi tiết hơn, sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2025 nhấn mạnh Trung Quốc là đại diện cho “thách thức chiến lược lớn nhất” của Tokyo và các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “tác động đáng kể” đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
“MỐI QUAN TÂM NGHIÊM TRỌNG” VÀ “ĐE DỌA NGHIÊM TRỌNG”
Tài liệu này cho rằng quân đội Trung Quốc đang tăng cường hoạt động trên khắp các khu vực xung quanh Nhật Bản, bao gồm biển Hoa Đông xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp, biển Nhật Bản và vùng tây Thái Bình Dương, vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất và mở rộng đến chuỗi đảo thứ hai.

2 oanh tạc cơ B-52H (giữa) của Mỹ cùng 2 chiến đấu cơ KF-16 (trái) của Hàn Quốc và 2 chiến đấu cơ F-2 (phải) của Nhật trong cuộc tập trận chung ngày 11.7 vừa qua
Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc
“Các hoạt động quân sự của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của Nhật Bản, và đây là mối quan tâm nghiêm trọng”, theo sách trắng Quốc phòng Nhật Bản. Tài liệu này cũng lặp lại những lo ngại được nêu trong phiên bản năm ngoái về các kế hoạch của Trung Quốc đối với Đài Loan. Tokyo đồng thời lưu ý tốc độ Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan. Thậm chí, Tokyo đặt ra lo ngại xảy ra một “tình huống nghiêm trọng” ở khu vực Đông Á, tương tự như Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Điều này được hiểu là ám chỉ khả năng Trung Quốc đại lục sử dụng quân sự để thống nhất Đài Loan.
Các bất ổn và rủi ro trên được xem là nguyên nhân Nhật Bản tăng cường mạnh mẽ ngân sách quốc phòng. Bên cạnh đó, sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2025 đề cập việc nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu dành sự tập trung vào xung đột Ukraine và các vấn đề Trung Đông, đồng thời cũng có các cam kết với châu Á. Theo Tokyo, khả năng có những thay đổi rõ rệt trong chính sách của Mỹ thời gian tới.
Ngoài ra, Tokyo lo ngại Nga có thể hỗ trợ công nghệ hạt nhân và tên lửa cho CHDCND Triều Tiên sau những gì Bình Nhưỡng hỗ trợ Moscow liên quan xung đột Ukraine. Qua đó, Tokyo mô tả Triều Tiên là “một mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh Nhật Bản.
Để giải quyết những thách thức trên, cũng như giải quyết bất kỳ hậu quả tiềm ẩn nào từ sự thay đổi của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, sách trắng Quốc phòng Nhật Bản kết luận nước này phải hợp tác với “các quốc gia có cùng chí hướng… để chống lại những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”.
Thông điệp cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc
Trả lời Thanh Niên ngày 18.7, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) chỉ ra một điểm nổi bật trong sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2025 chính là việc Nga có thể hỗ trợ Triều Tiên về tên lửa và hạt nhân. Điều đó đặt ra rủi ro Triều Tiên cải tiến hệ thống tên lửa xuyên lục địa, cũng như các hệ thống tên lửa khác đủ sức tấn công Nhật Bản, cũng như các căn cứ của Mỹ ở khu vực, bao gồm các căn cứ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và tất nhiên có cả đảo Guam. Khi đó, áp lực quân sự nhằm vào Mỹ và đồng minh.

Chiến hạm JS Kaga thuộc lớp Izumo của Nhật
Ảnh: AFP
GS Nagy đánh giá sách trắng Quốc phòng Nhật Bản lần này chỉ trích Trung Quốc, nhưng khẳng định rằng Tokyo không thay đổi đối với chính sách Một Trung Quốc, đồng thời khuyến khích hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Không những vậy, GS Nagy cho rằng Tokyo cũng gửi thông điệp đến Washington rằng Nhật Bản cam kết bảo vệ chính mình, xác định các thách thức tương tự quan điểm của Mỹ, mà nổi bật là hành động của Trung Quốc ở Indo-Pacific.
Theo vị chuyên gia, thông điệp của Nhật Bản gửi đi trong sách trắng Quốc phòng 2025 giữa bối cảnh Washington đang gây áp lực đối với Tokyo là về việc phải chia sẻ gánh nặng an ninh nhiều hơn trước các thách thức ở khu vực. Cụ thể hơn, Mỹ muốn Nhật Bản cũng như các đồng minh khác ở châu Á phải cam kết bằng các hành động cụ thể nếu xảy ra xung đột ở khu vực, ví dụ Bắc Kinh dùng vũ lực để sáp nhập Đài Loan. Không những vậy, Washington còn gắn kết các điều khoản quốc phòng khi đàm phán thương mại với Tokyo. Trong đó, Mỹ liên tục nâng yêu cầu Nhật Bản cam kết tăng cường ngân sách quốc phòng từ mức 3%, 3,5% rồi 5% so với GDP.
Áp lực không chỉ với Nhật Bản
Sức ép trên khiến quan hệ Mỹ – Nhật đang có phần nào trắc trở, ảnh hưởng đến cả quan hệ 3 bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc. Mới đây, trong chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vào giờ cuối đã hủy việc thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trả lời Thanh Niên, ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ) đánh giá: “Việc Ngoại trưởng Rubio hủy bỏ các chuyến thăm Tokyo và Seoul là bằng chứng cho thấy Washington vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu vào Trung Đông và Nga/Ukraine, dù Nhà Trắng tuyên bố muốn dành quan tâm nhiều hơn cho châu Á”.
Bên cạnh đó, chuyên gia Poling cho rằng: “Quan hệ 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn đang thay đổi. Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Nhật đã không diễn ra tốt đẹp như kỳ vọng ban đầu và ngày càng có nhiều lo ngại về liên minh Mỹ – Nhật khi chính quyền của Tổng thống Trump đột ngột yêu cầu Nhật Bản chi ngân sách quốc phòng tương đương 5% GDP. Hàn Quốc cũng là một trường hợp tương tự, nhưng chưa rõ các cuộc đàm phán thương mại giữa Seoul và Washington sẽ đi về đâu”.
“Về các hoạt động liên minh, dường như chính quyền Tổng thống Trump sẽ rút bớt lực lượng khỏi bán đảo Triều Tiên”, ông Poling lo ngại.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của sách trắng quốc phòng Nhật Bản
Tờ China Daily dẫn lời phát ngôn viên Tưởng Bân của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lên tiếng đáp trả việc sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2025 gọi Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất và chưa từng có” và Bắc Kinh “tăng cường thay đổi đơn phương hiện trạng bằng vũ lực” đối với Đài Loan.
Theo đó, phát ngôn viên Tưởng Bân chỉ trích Tokyo đang phóng đại “mối đe dọa Trung Quốc” và chỉ muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh. Phía Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng nước này bất mãn và phản đối mạnh mẽ đối với sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2025.