
Sự việc diễn ra trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đoạn qua nút giao Ninh Hiệp (Hà Nội).
Cụ thể, vào khoảng 18h ngày 7/7, anh Phạm Ngọc Cảnh (Hà Nội) điều khiển xe ô tô trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, hướng đi Thái Nguyên, bắt gặp đoàn người đi bộ, đạp xe thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc.
Tài xế ô tô “đứng hình” nhìn người đàn ông đi xe đạp cắt ngang cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (Clip: Nhân vật cung cấp).
Được biết, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên là đường dành riêng cho xe ô tô, tốc độ 90-100km/h, cấm các loại xe thô sơ, xe gắn máy và người đi bộ.
“Họ đã đi vào đường cấm, nhiều người còn đạp xe lao thẳng qua đường, rất nguy hiểm”, anh Cảnh phản ánh với phóng viên Dân trí.
Nam tài xế cho biết, tại mốc CT37 – điểm giao cắt thuộc địa phận xã Ninh Hiệp (Hà Nội) thường xuyên xuất hiện những tốp người lớn tuổi (cả nam và nữ) đi bộ, đạp xe thể dục vào sáng sớm và chiều tối.
Không chỉ riêng anh, rất nhiều người cũng từng chứng kiến tình trạng này và đã phản ánh lên các hội nhóm để cảnh báo các tài xế ô tô.
“Đoạn đường này tụ tập rất đông, có lúc lên tới mấy chục người, thường là các bác lớn tuổi. Họ đi bộ là chính, số ít đi xe đạp. Đoạn đường bắt đầu vào cao tốc các phương tiện di chuyển với tốc độ nhanh, song cũng có rất đông người sang đường.
Đi qua khu vực này vào sáng sớm hoặc chiều tối rất nguy hiểm. Đôi khi chỉ một giây phút lơ là là xảy ra tai nạn, bởi đoạn đường nhập làn cao tốc không có biển giới hạn tốc độ, xe khách chạy rất nhanh.
Đành rằng mọi người tập thể dục rèn luyện sức khỏe, nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ chứ không thể vào khu vực cấm đi bộ, đạp xe thế này được. Tài xế ô tô như chúng tôi rất khổ tâm nếu chẳng may xảy ra tai nạn”, anh bức xúc.
Anh nhận định, đoàn người đi bộ, đạp xe băng qua cao tốc là để về nhà, khi cạnh đó là khu dân cư Ninh Hiệp.
“Ở đây có camera cũng rất khó xử phạt bởi người vi phạm chủ yếu đi bộ, đi xe đạp. Mong cơ quan chức năng sẽ có phương án ngăn chặn tình trạng đe dọa an toàn giao thông này”, anh Cảnh nói.
Sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội, bạn đọc Nguyễn Hà Phương ngán ngẩm: “Hôm tôi đi cũng gặp. Có ông cụ còn chạy qua đường cao tốc. Đúng là bó tay”.
Cùng ý kiến, tài khoản Nguyễn Phúc bức xúc: “Chán thật!. Tuần nào tôi cũng đi qua đoạn đường này 1-2 lần. Rất nhiều người đi bộ, đi xe đạp, xe máy trên cao tốc”.
Về quy định pháp luật, theo Điều 30 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, người đi bộ phải tuân thủ các quy định sau đây:
Phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình;
Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ.
Trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay;
Không được vượt qua dải phân cách, đu, bám vào phương tiện giao thông đường bộ đang di chuyển; khi mang, vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Về mức phạt, theo Nghị định 168, người đi bộ sẽ bị phạt 150.000-250.000 đồng nếu không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định.
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Nghị định 168 cũng có quy định về mức xử phạt đối với người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác.
Hành vi đi xe đạp, xe đạp máy vào đường cao tốc sẽ bị phạt 800.000-1,2 triệu đồng.