
Chống lừa đảo và bảo vệ an ninh mạng là vấn đề cấp thiết hiện nay nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì trình độ hacker quá tinh vi
ẢNH: QUANG THUẦN
Tấn công mạng khắp nơi
Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA), tình trạng tấn công mạng và lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang đứng top đầu thế giới khi mức độ sử dụng internet ngày càng phổ biến. Đối với tình trạng lừa đảo trực tuyến, một thống kê cho thấy 62% người dân được khảo sát cho rằng mình thường xuyên gặp phải những cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Còn tình trạng tấn công mạng với mục đích phá hoại, đánh cắp dữ liệu hoặc lừa đảo cũng xảy ra hàng ngày với mức độ dữ dội hơn.
Tại hội nghị, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế (NCA) dẫn chứng: “Chỉ mới hôm qua thôi, cổng bán vé Mega Concert với sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình đã bị tấn công từ chối dịch vụ. Ngay từ khi mở bán, website phân phối đã sập vì lượng truy cập quá đông và trong đó có cả hacker tấn công. Ngay trong lúc website chính thức bị sập thì người ta đã tìm thấy vài trang web khác với tên miền giống như đúc chỉ khác cái đuôi, không ít người đã nhầm lẫn và đặt vé, chuyển tiền trên website giả mạo. Như vậy, có thể thấy rõ rằng các đối tượng lừa đảo đã có sự chuẩn bị ngay từ trước với kế hoạch được sắp đặt sẵn, đánh sập website bán vé chính thức và thay thế bằng website giả để lừa người mua. Chúng tôi chưa thể thống kê bao nhiêu người bị lừa mất tiền nhưng thủ đoạn của hacker ngày càng tinh vi và khó lường”.
Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 cơ quan báo chí lớn của Việt Nam bị tấn công mạng. Tin tặc đã tấn công vào hệ thống dữ liệu nhằm đánh cắp những tài liệu của các cơ quan báo chí. Khi tấn công được vào hệ thống, tin tặc có thể đánh cắp dữ liệu, thay đổi nội dung bài viết hoặc xóa tin bài, nhằm đưa những nội dung xấu độc lên tờ báo…
Ông Vũ Ngọc Sơn, phân tích: “Để phòng chống tấn công, lừa đảo qua mạng, cần phải có giải pháp và nhân sự đủ mạnh. Chúng ta hiện nay đang tích cực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhưng nếu không tạo được niềm tin thì rất khó tạo được sự an tâm cho người dân. Hiện nay tình trạng thiếu hụt nhân sự an ninh mạng rất trầm trọng, nếu nhân sự chuyên trách giám sát 24/7 thì phải chia 3 ca 4 kíp với nhóm 8 – 10 người, ước tính có khoảng 56% cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không có đủ nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin”.

Cần có thêm chế độ đãi ngộ để đào tạo và giữ chân nhân sự công nghệ thông tin
ẢNH: QUANG THUẦN
Nhà mạng cũng ‘bó tay’ vì cuộc gọi lừa đảo
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó tổng giám đốc Công ty Mobifone cũng trăn trở: “Bản thân tôi là lãnh đạo một nhà mạng nhưng hàng ngày đều nhận được cuộc gọi rác lừa đảo. Với hàng chục triệu khách hàng sử dụng Mobifone, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm để bảo vệ họ trước tình trạng lừa đảo trực tuyến bùng phát như hiện nay. Bộ Công an cũng đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo với số tiền chiếm đoạt cực kỳ lớn, trong đó những nạn nhân có những người lớn tuổi, có thể là bạn bè, người thân của chúng ta, và có những người lương thiện, vì lòng tốt mà bị lừa. Phải nói rằng thủ đoạn của những kẻ lừa đảo quá tinh vi, khả năng thao túng tâm lý quá bài bản. Và họ ẩn danh, dùng tên tuổi giả, ngồi ở nơi khác để lừa đảo nên càng tự tin hơn không dễ dàng bị bắt”.
Ông Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ: “Về phía nhà mạng, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tăng cường năng lực giám sát và phát hiện sớm những đối tượng lừa đảo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tuyên truyền và khuyến cáo những chiêu trò lừa đảo để khách hàng đề phòng. Mặc dù vậy, những giải pháp trên vẫn chưa thật sự đáp ứng được công cuộc chống lừa đảo qua các cuộc gọi và cần thêm nhiều sáng kiến, giải pháp từ các công ty công nghệ để ứng dụng hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
“Bên cạnh chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, vấn nạn chảy máu chất xám ngành công nghệ thông tin cũng là điều khá nhức nhối khi chính sách, thu nhập, đãi ngộ hiện nay đối với lĩnh vực này chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người tài và họ đã tìm đến các tập đoàn, công ty ở nước khác để làm việc với môi trường tốt hơn. Các giải pháp ứng dụng công nghệ cũng cần có thời gian để kiểm chứng hiệu quả, các chính sách quản lý của nhà nước cũng phải có thời gian để đi vào thực tiễn và các nhân sự trẻ cần phải có thời gian để trưởng thành. Do đó, vấn đề an ninh mạng và lừa đảo qua mạng hiện nay cũng chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn như kỳ vọng được”, ông Vũ Ngọc Sơn nhìn nhận.