Trình Quốc hội sửa luật Thuế thu nhập cá nhân
Sáng 10.7, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đề nghị phiên họp cho ý kiến vào 8 nội dung chính. Theo đó, cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
ẢNH: TTXVN
Theo Chủ tịch QH, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến về nghị quyết tập trung phát triển GD-ĐT cũng như nghị quyết liên quan chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Chúng ta sẽ có 6 nghị quyết và vừa qua đã triển khai 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị. QH đã thông qua 3 nghị quyết về khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nghị quyết về xây dựng, thực thi pháp luật; nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là các nghị quyết rất quan trọng”, Chủ tịch QH nói. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 9, QH đã thông qua luật Nhà giáo; nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí, về chăm lo cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa… Hiện nay HĐND các địa phương như Hà Nội đã quyết định chi hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh. Ngoài ra, một nội dung khác cũng được phiên họp sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025…
Tại kỳ họp, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 9 và bước đầu về chuẩn bị kỳ họp thứ 10. Theo Chủ tịch QH, đây là kỳ họp cuối nhiệm kỳ khóa XV, hoàn tất các nhiệm vụ đề ra và tạo dựng tiền đề cho nhiệm kỳ mới. Với tính chất quan trọng như vậy, việc chuẩn bị phải thật bài bản, chủ động đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức, chất lượng, khẳng định vai trò dẫn dắt, kiến tạo của QH, Chính phủ.
Báo cáo tại phiên họp về việc tổng kết kỳ họp 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp 10, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến kỳ họp 10 QH khóa XV diễn ra trong khoảng 1 tháng rưỡi với 30 ngày làm việc, diễn ra theo 2 đợt.
Đợt 1, kéo dài khoảng 20 ngày, chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình QH biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình QH cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2, kéo dài khoảng 10 ngày, chủ yếu bố trí QH biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận về một số dự án luật trình QH cho ý kiến. Thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp khoảng từ 7 – 9 ngày.
Theo ông Tùng, QH dự kiến xem xét, thông qua 19 dự án luật; cho ý kiến 2 dự án luật. Ngoài ra, hiện Chính phủ đã có văn bản đề nghị trình QH 21 dự án luật khác. Đáng chú ý, cấp có thẩm quyền đã đề nghị các cơ quan sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật, hoàn thành trong năm 2025. Trong đó, có luật Thuế thu nhập cá nhân; luật Viên chức; luật Phòng, chống tham nhũng; luật Sở hữu trí tuệ…
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch QH nêu những dự án luật dự kiến cho ý kiến lần đầu và thông qua theo quy trình 2 kỳ họp, nên để lại cho nhiệm kỳ sau vì QH khóa XV không còn thời gian để tổ chức thêm kỳ họp. “Sẽ có cuộc họp thật sớm giữa Đảng ủy QH và Đảng ủy Chính phủ để quán triệt, chuẩn bị từ sớm, từ xa”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Sẽ có phiên giải trình thuốc giả, thực phẩm giả
Báo cáo công tác dân nguyện của QH các tháng 4, 5 và 6.2025, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về vấn đề liên quan hàng giả, hàng kém chất lượng, Thường trực Ủy ban đã thảo luận và thống nhất kế hoạch dự kiến tháng 8 sẽ tổ chức phiên giải trình. Dự kiến trong tháng 7, đầu tháng 8 sẽ nhận báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đi khảo sát thực tế. Trong tháng 8, các ủy ban của QH sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan 2 nhóm chính là thuốc giả – thực phẩm giả.
Liên quan kỳ thi vào THPT và thi tốt nghiệp THPT, ông Vinh cho hay “đây là 2 vấn đề rất lớn”. Với kỳ thi vào THPT sẽ phải bàn, thảo luận rất kỹ vấn đề phân luồng học sinh, tổ chức cấp THPT thế nào. Đồng thời, trong bước bàn chính sách sửa đổi luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT đề xuất hướng nên phát triển THPT nghề, tức là tinh thần khuyến khích cho học sinh học THPT nghề nhiều hơn. Nếu xử lý được từ chính sách này thì áp lực thi vào THPT giảm đi, áp lực kỳ thi giảm đi. Bộ GD-ĐT đã có báo cáo nội dung này gửi UBTVQH.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay về thi tốt nghiệp THPT, dư luận phản ánh rất nhiều về đề thi một số môn học có độ khó rất cao so với năm trước. Đây là lần đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, vận hành với nhiều bộ sách giáo khoa song song. Vì vậy, đề thi có hướng thực tiễn hơn và có phần ngoài chương trình nhiều.
“Sự thích nghi của học sinh với cách thi, phương pháp thi mới, tính chuyên môn cao còn nhiều vấn đề, nên Ủy ban đã đề nghị Bộ GD-ĐT báo cáo. Cùng với đó, sẽ tham vấn các chuyên gia giáo dục phổ thông, các chuyên gia có hiểu biết sâu về ra đề thi và sẽ có báo cáo cụ thể”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, quan điểm chung các đề thi phải theo hướng có tính phân loại cao và hướng về chất lượng, để tránh việc không phân loại được học sinh rồi cứ xếp bằng nhau. Sau đó, các trường đại học không tách ra, không phân loại được, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học, bậc học sau phổ thông.