Tập đoàn xây dựng Hòa Bình nợ trên 57 tỉ đồng bảo hiểm xã hội

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình nợ trên 57 tỉ đồng bảo hiểm xã hội

bởi

trong
Tập đoàn xây dựng Hòa Bình nợ trên 57 tỉ đồng bảo hiểm xã hội

Công nhân Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vinh Thông (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) trong một buổi đối thoại, xử lý vấn đề nợ đóng bảo hiểm xã hội lên tới 14 tỉ đồng – Ảnh: C.T.

Trong danh sách được Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII vừa công bố còn chỉ điểm nhiều “ông lớn” khác chậm đóng và nợ với số tiền lớn.

Có doanh nghiệp chậm đóng 118 tháng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII cho biết đây là danh sách 100 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ 6 tháng trở lên và có số tiền chậm đóng lớn.

Đơn vị đã nhiều lần gửi thông báo, nhắc nhở nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 8 đã chậm đóng đến… 139 tháng. Số tiền chậm đóng tương ứng hơn 10 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành giáo dục, bất động sản, xây dựng cũng xuất hiện trong danh sách này với số tiền nợ bảo hiểm xã hội rất lớn.

Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình dẫn đầu với số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội lên tới trên 57,6 tỉ đồng và đã chậm đóng 21 tháng.

Tiếp sau là Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn chậm đóng hơn 40 tỉ đồng với 87 tháng. Công ty cổ phần đầu tư Danh Khôi Holdings cũng chậm đóng 21 tháng qua với trên 6,8 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian dài như Công ty cổ phần Đại Nam Việt (118 tháng), Công ty TNHH kỹ thuật Hòa Hiệp (112 tháng), Công ty cổ phần đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (104 tháng)…

Chi nhánh Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Mỹ AIS – Trường tiểu học, THCS và THPT Quốc tế Mỹ (huyện Nhà Bè, TP.HCM cũ) nợ số tiền bảo hiểm xã hội hơn 16 tỉ đồng.

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình nợ trên 57 tỉ đồng bảo hiểm xã hội - Ảnh 2.

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sẽ khiến người lao động bị “treo” quyền lợi hưởng lương hưu – Ảnh: H.Q.

Chậm đóng thời gian ngắn nhưng số tiền lớn

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có tên trong danh sách này với thời gian chậm đóng ngắn nhưng số tiền lớn. Điển hình như Công ty cổ phần kết cấu thép QH PLUS (Khu công nghiệp Mỹ Xuân, TP.HCM) dù chậm đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng nhưng số tiền lên tới trên 13 tỉ đồng.

Còn Công ty TNHH Stepmedia Software Việt Nam (phường Phú Nhuận cũ) chậm đóng hơn 6 tháng số tiền 8,5 tỉ đồng. Công ty cổ phần Ba Huân (quận 6 cũ) chậm đóng bảo hiểm xã hội 7 tháng qua với số tiền gần 6 tỉ đồng.

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (đóng tại tỉnh Bình Dương, nay là TP.HCM) cũng đang chậm đóng số tiền hơn 31 tỉ đồng, kéo dài đã 27 tháng.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 1-7-2025 quy định rõ các hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Với chậm đóng, trường hợp một là chủ sử dụng lao động chưa đóng hoặc đóng thiếu tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kể từ sau ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất.

Trường hợp hai là không lập hoặc lập thiếu danh sách người tham gia trong vòng 60 ngày kể từ khi hết hạn quy định.

Với trốn đóng, trường hợp một là chủ sử dụng lao động không lập hoặc lập danh sách thiếu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ khi hết hạn quy định.

Trường hợp hai là không đóng hoặc đóng thiếu tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày đóng chậm nhất và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc.

Với hành vi chậm đóng, doanh nghiệp sẽ phải đóng đủ số tiền chậm đóng, nộp thêm khoản lãi 0,03%/ngày tính trên số tiền và số ngày trốn đóng, đồng thời bị xử phạt hành chính và không được xét thi đua, khen thưởng.

Đặc biệt nếu trốn đóng, ngoài việc phải nộp đủ số tiền trốn đóng và lãi phạt như trên, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Và doanh nghiệp cũng không được xét thi đua, khen thưởng.