Tập ký về cách ăn mặc của người Việt

Tập ký về cách ăn mặc của người Việt

bởi

trong

Cuốn “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” của Đỗ Quang Tuấn Hoàng tập hợp các bài viết về nét độc đáo trong trang phục của nhiều dân tộc Việt.

Sách dày 388 trang, dự kiến phát hành ngày 15/5. Nội dung gồm hai phần, phần đầu nói về chất liệu và phong cách đặc trưng của các vùng miền như thổ cẩm Chăm, lụa Vạn Phúc, lụa Mã Châu, trang phục người Lô Lô, người K’ho. Tác giả cũng giới thiệu cách làm một số loại vải hiếm như tơ sen, sợi bông, sợi lanh, sợi chuối. Ngoài ra, anh dành nhiều trang viết về những người hồi sinh trang phục, chất liệu truyền thống. Ở phần hai, người viết đề cập một số phụ kiện độc đáo như nón làng Chuông, giày Huế, trang sức cung đình nhà Nguyễn.

Tác phẩm cung cấp kiến thức liên quan văn hóa bản địa. Chẳng hạn, người Dao Tiền không chỉ thêu những hình ảnh thường thấy trong sinh hoạt hàng ngày mà còn thêu cả hình tổ tiên lên áo để nhắc nhở con cháu hãy ghi nhớ và kính trọng đời trước.

Váy người H’mông thêu hình diễn tả trận chiến chống kẻ cướp đất. Thân váy có ba băng dải dọc, tượng trưng ba con sông người H’mông đã vượt qua trên đường di cư đến phương Nam. Theo quan niệm của họ, nếu người chết không mặc quần áo lanh, tổ tiên sẽ không nhận. Tham dự một đám ma của người H’mông, chỉ cần nhìn cái sào phơi quần áo trên đầu quan tài của người chết là biết họ có bao nhiêu con. Bởi mỗi người con đều làm cho bố mẹ một bộ quần áo mới bằng vải lanh để mặc khi qua đời.





Tập ký về cách ăn mặc của người Việt

Cuốn “Việt Nam – Ăn mặc thong dong”, giá 190.000 đồng. Ảnh: ChiBooks

Đối với người Ê đê, chiếc vòng đồng không chỉ là trang sức mà còn gắn với văn hóa tâm linh, là vật quan trọng kết nối con người với thần linh. Theo tập tục người Lự, nếu nhà có người chết thì trong vòng một năm không được đeo hoa tai.

Nói về lý do viết sách, tác giả cho biết: “Tôi đam mê nghiên cứu trang phục, trang sức, nhất là ở khía cạnh nhân học và xu thế thời trang chậm. Trong quá trình đi khắp Việt Nam để nghiên cứu, tôi vui mừng khi tìm được những người cùng sở thích mà bạn đọc sẽ gặp trong trang sách”. Anh quan niệm bên cạnh nếp ăn thì văn hóa mặc thể hiện rõ nét nhất đời sống vật chất và tinh thần của một dân tộc, tộc người, cá nhân. Ẩn sau vải vóc và trang phục, trang sức là một câu chuyện hấp dẫn của nhân loại.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng 46 tuổi, quê tại xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Anh tốt nghiệp cử nhân xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Anh làm báo từ năm 2000, hiện là thư ký tòa soạn tạp chí Mốt Việt Nam, phó ban nghiên cứu và phát triển tại Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Anh từng xuất bản các cuốn Đi suốt đường vui, Ngang dọc đường trà, Vắt qua những ngàn mây, Theo dấu chân người tình, Đi bán đam mê – Những câu chuyện khởi nghiệp, Sài Gòn có lá me bay, Nguyễn Cao Thương: Vẽ là lẽ sống. Trong đó, cuốn du ký Vắt qua những ngàn mây được Nhà xuất bản Khoa học – Kỹ thuật Quảng Tây, Trung Quốc, mua bản quyền, phát hành ấn bản tiếng Trung cuối năm ngoái.

Hà Thu