Công điện gửi Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an, NN-MT, Tài chính, Công thương, Xây dựng; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội. Theo TTXVN, Công điện nêu rõ: Để nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định tình hình nhân dân, Thủ tướng Chính phủ giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác giảm thiệt hại, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, khôi phục đời sống và hoạt động kinh tế, sản xuất của nhân dân.

Lũ nhấn chìm hàng ngàn hộ dân ở xã Tương Dương, Nghệ An
ẢNH: Đ.T
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Wipha) đã gây mưa lớn, nước biển dâng cao, làm ngập úng tại nhiều khu vực ven biển; trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn tại thượng nguồn sông Cả (lưu lượng dòng chảy về hồ Bản Vẽ vượt lưu lượng lũ kiểm tra), gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tại nhiều khu dân cư ven sông; một số nơi đã xảy ra sự cố đê điều, hồ đập, lũ quét, sạt lở đất.
Theo Bộ NN-MT, đến 16 giờ ngày 23.7, mưa lớn, lũ do ảnh hưởng bão số 3 đã làm 2 người chết đều tại tỉnh Nghệ An, và 5 người bị thương (Thanh Hóa 1 người, Nghệ An 4 người).
Không kịp trở tay
Ngày 22.7, các xã miền tây Nghệ An có mưa lớn. Đặc biệt, lượng mưa quá lớn ở Lào đã khiến nước lũ ồ ạt đổ qua Nghệ An theo các con sông, suối.
Tại xã biên giới Mỹ Lý, mưa lũ khiến nhiều căn nhà bị ngập sâu đến mái. Đến trưa 23.7, lực lượng chức năng mới liên lạc được với cán bộ và người dân một số bản ở xã này. Theo thống kê sơ bộ, khoảng 150 ngôi nhà ven sông Nậm Nơn đã bị lũ nhấn chìm, trong đó có nhiều nhà bị cuốn trôi. Một chiếc cầu treo đã bị lũ cuốn trong đêm 22.7.
Tại xã Mường Xén, nước lũ đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở vùng thấp ven sông. Nước lũ dâng nhanh trong đêm 22.7 gây ngập tuyến QL7A chảy qua trung tâm H.Kỳ Sơn (cũ), cuốn trôi nhiều tài sản của người dân. Mặc dù trước đó, chính quyền đã phát thông báo cho người dân vùng thấp trũng và vùng nguy cơ sạt lở sơ tán, nhưng nhiều người vẫn không kịp di chuyển tài sản. Đến chiều 23.7, nước lũ rút để lại lượng bùn đất lớn trong nhà và trên các tuyến đường.
Đêm 22.7, UBND tỉnh Nghệ An phát thông báo khẩn cho biết lúc 21 giờ cùng ngày, lưu lượng lũ về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543 m3/giây, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500 m3/giây (tần suất 0,02%, tức tần suất 5.000 năm xảy ra 1 lần). Hồ đang tiến hành cắt giảm lũ với lưu lượng xả xuống hạ du 1.727 m3/giây và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành và các xã vùng hạ du khẩn trương huy động lực lượng để di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Một nhà dân ở xã Nhôn Mai, Nghệ An tan hoang sau lũ
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Sau khi thủy điện này phải xả lũ khẩn cấp, nước tràn về các xã hạ du theo sông Lam. Nước lũ lên quá nhanh và trong đêm khuya nên người dân không kịp trở tay. Ông Vi Văn Hùng, ngụ xã Tương Dương (TT.Thạch Giám cũ), cho hay ông sinh sống ở đây đã gần 70 năm nhưng chưa thấy trận lũ nào nước lên cao như lần này. “Khoảng 0 giờ, sau khi thủy điện xả lũ, nước lên rất nhanh, chúng tôi chỉ kịp chạy lấy người, xe máy và đồ đạc cũng không kịp di chuyển. Đến sáng, thấy nhà mình đã ngập gần đến mái”, ông Hùng nói. Tương tự, nhiều gia đình khác sinh sống tại xã này cũng không kịp di chuyển tài sản vì lũ lên quá nhanh, nhất là những gia đình sống trong các căn nhà cấp 4, không có tầng lầu.
Tại Trung tâm y tế Tương Dương, nước lũ dâng cao gây ngập toàn bộ tầng trệt khiến 13 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế và 140 bệnh nhân cùng người nhà bị cô lập hoàn toàn. Đến sáng qua, trung tâm phải huy động thuyền của người dân để sơ tán bệnh nhân đến nơi an toàn. Trước đó, trung tâm đã chủ động di chuyển toàn bộ bệnh nhân, máy móc và thiết bị y tế lên tầng cao nên không gây thiệt hại lớn về tài sản.
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra phòng chống bão lũ của tỉnh Nghệ An sáng 23.7, ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, cho biết lúc 9 giờ 30 cùng ngày, lưu lượng nước đổ về hồ đạt khoảng 6.000 m³/giây. Nhà máy đã vận hành xả 4.000 m³/giây qua 6 cửa, mực nước hồ thời điểm báo cáo ở cao trình 199,8 m. Theo ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, rạng sáng 23.7, lũ về hồ thủy điện Bản Vẽ đạt đỉnh với lưu lượng chưa từng có, gấp 3 lần trận lũ năm 2018.
Thiệt hại lớn
Báo cáo của UBND xã Tương Dương cho biết nước lũ tràn về ồ ạt đã khiến 3 cầu treo bắc qua sông Lam nối với 3 bản ở bên kia sông bị cuốn sập khiến 427 hộ dân bị cô lập. Xã sẽ kiến nghị tỉnh cho làm cầu tạm hoặc phà để người dân qua lại. Ngoài ra còn có 21 thôn bản bị cô lập hoàn toàn. Lũ cũng khiến 2.210 nhà dân bị ngập, trong đó rất nhiều nhà bị ngập sâu từ 2 – 3 m. Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp toàn bộ các hộ dân này đến nơi an toàn. Tuyến QL7A nối sang Lào từ rạng sáng 23.7 bị ngập sâu, giao thông hoàn toàn tê liệt. Đến chiều 23.7, nước lũ đã bắt đầu rút, nhưng QL7A vẫn còn ngập sâu. Trong ngày 23.7, PV Thanh Niên đã tìm nhiều cách để đến xã Tương Dương nhưng các tuyến đường đến đây đều ngập sâu và sạt lở nên không thể tiếp cận được.
Trong khi đó, tại xã Con Cuông (cách xã Tương Dương khoảng 60 km về phía hạ du), đến chiều tối 23.7, nước lũ vẫn đang lên. Nước lũ ồ ạt theo sông Lam đổ về khiến hàng trăm nhà dân ở đây bị ngập sâu. Ông Võ Quang Tâm (64 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông) cho biết gia đình ông thầu khu đất bãi bồi ven sông để nuôi trâu bò. Chiều 22.7, nước sông còn cạn, nhưng đến khuya thì dâng nhanh quá, cuốn trôi toàn bộ 10 con trâu, 3 con bò, gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Kiều, một người dân ở đây, cho hay từ nhỏ đến nay, lần này bà mới thấy nước sông Lam dâng cao như vậy. Nước tràn vào nhà và dâng quá nhanh khiến gia cầm của người dân bị chết và bị lũ cuốn trôi.
Sáng 23.7, ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, và ông Nguyễn Văn Đệ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã lên các xã kể trên để thị sát và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ. Tuy nhiên, do tuyến QL7A bị ngập sâu nên việc tiếp cận rất khó khăn.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, mưa lũ đã làm 2 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại 417 căn nhà, 3.237 căn nhà bị ngập. Nhiều địa phương đang bị cô lập, mất điện, mất liên lạc, chưa thể báo cáo. Các xã đã di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi trú tránh an toàn.
Thanh Hóa: Nước rút, khắc phục tạm thời 4 sự cố đê điều
Tại Thanh Hóa, ngày 23.7 không còn mưa nhưng vẫn còn một số khu dân cư vùng trũng thấp, hoặc khu vực có hệ thống thoát nước kém bị ngập đường và nhà dân. Các khu vực bị ngập khác nước đã rút, không còn mưa nên phần lớn trong hơn 2.000 người phải sơ tán trước đó đã trở về nhà. Chính quyền các địa phương và nhiều lực lượng cũng đang hỗ trợ người dân khắc phục 251 ngôi nhà bị hư hỏng.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Chủ tịch UBND xã Trung Chính (Thanh Hóa), cho biết do nước rút nên trên địa bàn xã không còn nhà dân bị ngập. Tuy nhiên đến ngày 23.7, nhiều diện tích lúa vẫn đang bị ngập, hệ thống máy bơm đang hoạt động hết công suất để nhanh chóng cứu lúa trong thời gian sớm nhất.
Đối với 4 sự cố đê điều bị sạt lở trên địa bàn đã được các địa phương khắc phục tạm thời, ổn định; 39 vị trí trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở với khối lượng khoảng 25.280 m3 đất đá cũng được khắc phục xong và thông xe.
Minh Hải
Giông lốc ở Đồng Tháp, An Giang
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ ngày 20 – 23.7, tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp có mưa lớn kèm giông lốc, làm 17 người bị thương và hư hại hàng trăm nhà dân.
Cụ thể, theo báo cáo nhanh của Sở NN-MT Đồng Tháp, từ 16 giờ ngày 22.7 đến 10 giờ 30 ngày 23.7, mưa lớn kèm giông lốc trên địa bàn các xã Thanh Mỹ, Đốc Binh Kiều, Tân Phú, Ba Sao, Tháp Mười và P.Mỹ Ngãi đã làm 17 người bị thương; 44 căn nhà sập hoàn toàn và 243 căn nhà tốc mái; hơn 400 cây ăn trái bị thiệt hại. Các địa phương đang tiếp tục thống kê và đánh giá thiệt hại.
Cũng trong ngày 23.7, mưa giông xuất hiện vòi rồng quét qua xã Tri Tôn (tỉnh An Giang), khiến 30 căn nhà dân bị sập và tốc mái. Tại xã Ba Chúc có 4 căn nhà bị sập hoàn toàn, trạm y tế xã và 15 căn nhà khác bị tốc mái…
Trần Ngọc