Tập truyện ngắn về phụ nữ Ấn Độ thắng Booker Quốc tế

Tập truyện ngắn về phụ nữ Ấn Độ thắng Booker Quốc tế

bởi

trong

Anh”Heart Lamp” của nhà văn Banu Mushtaq, phản ánh cuộc sống của phụ nữ và bé gái thuộc cộng đồng Hồi giáo miền Nam Ấn Độ, giành giải International Booker.

Tại lễ trao giải ở Bảo tàng Tate Modern, London sáng 21/5 (giờ Hà Nội), tác phẩm vượt qua năm ứng viên, chiến thắng với mức thưởng 50.000 bảng. Giải được chia đều cho tác giả Banu Mushtaq và dịch giả Deepa Bhasthi – người chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Tác phẩm tập hợp 12 truyện ngắn tác giả viết từ năm 1990 đến 2023, bằng tiếng Kannada – một trong những ngôn ngữ chính của Ấn Độ. Theo Rediff, sáng tác thu hút ban giám khảo bởi phong cách dí dỏm, gần gũi, khắc họa sâu sắc những vấn đề trong gia đình và xã hội nước này.

Tác giả kể về cô gái mới sinh con, bị chồng phản bội và cư xử thô lỗ, song cô được khuyên nên biết ơn vì không bị chồng đánh, hay người phụ nữ một mình vật lộn với các con trong kỳ nghỉ hè.





Tập truyện ngắn về phụ nữ Ấn Độ thắng Booker Quốc tế

Nhà văn Banu Mushtaq (trái) và dịch giả Deepa Bhasthi (phải). Ảnh: The International Booker Prize

Theo The Guardian, nhà phê bình John Self từng nhận xét tuyển tập của Mushtaq và Bhasthi là “ứng viên sáng giá cho mùa giải”. Ông viết: “Giọng điệu sách đi từ trầm lắng đến hóm hỉnh. Cái nhìn nhất quán thể hiện trong truyện ngắn cuối cùng, khi một nhân vật đặt câu hỏi: Tại sao Thượng đế bắt bà trở thành tù nhân của chính cuộc đời mình khi phải phục tùng chồng”.

Chủ tịch ban giám khảo giải – Max Porter – nhận xét tác phẩm mang thông điệp nữ quyền, một trong những yếu tố làm nên tên tuổi của Mushtaq. Song ông nhấn mạnh sách không cổ vũ đấu tranh mà phản ánh những lát cắt chân thực trong cuộc sống hàng ngày của phụ nữ nước này.

Ban giám khảo năm nay gồm nhà văn Max Porter, nhà thơ, đạo diễn và nhiếp ảnh gia Caleb Femi, nhà văn Sana Goyal, tác giả, dịch giả từng được đề cử Booker Quốc tế Anton Hur và nhạc sĩ Beth Orton. Họ dành lời khen cho bản dịch tiếng Anh, cho rằng đây là điểm sáng, có chiều sâu và giữ vững tinh thần của tác phẩm gốc. “Bản chuyển ngữ khắc họa bản sắc, đặc trưng văn hóa Ấn Độ, mang nhiều lớp lang sắc thái tiếng Anh”, Max Porter nói.

Trả lời phỏng vấn Scroll.in đầu năm, dịch giả Bhasthi cho biết: “Mục tiêu của tôi là giúp độc giả khám phá những vùng ngôn ngữ mới nhưng không khiến cuốn sách trở nên xa lạ”. Cô gọi phương pháp của mình là dịch kèm phương ngữ.

Deepa Bhasthi là nhà văn, dịch giả sống tại Kodagu, miền Nam Ấn Độ, có các bài báo, tiểu luận và phê bình văn hóa được đăng tải trong nước và quốc tế. Bản dịch các truyện ngắn trong Heart Lamp của cô từng được tổ chức English PEN trao giải Văn học PEN cho dịch thuật.

Banu Mushtaq sinh năm 1948, là nhà văn kiêm nhà hoạt động, luật sư ở tiểu bang Karnataka, miền nam Ấn Độ. Bà không ngừng đấu tranh cho nữ quyền, phản đối hình thức áp bức tôn giáo và giai cấp. Nhà văn viết nhiều thể loại, bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và thơ, đoạt nhiều giải văn học như Giải thưởng Học viện Karnataka Sahitya, Daana Chintamani Attimabbe.

Danh sách rút gọn mùa giải năm nay ghi dấu nhiều sách của tác giả, dịch giả là nữ, gồm Under the Eye of the Big Bird của nhà văn Nhật Hiromi Kawakami, Asa Yoneda dịch, A Leopard-Skin Hat của Anne Serre, Mark Hutchinson dịch, On the Calculation of Volume I của Solvej Balle, Barbara J. Haveland dịch từ tiếng Đan Mạch. Hai tác phẩm còn lại trong danh sách là Perfection của Vincenzo Latronico, Sophie Hughes dịch và Small Boat của Vincent Delecroix, Helen Stevenson chuyển ngữ từ tiếng Pháp.

Booker Quốc tế lần đầu tổ chức năm 2005, trao hàng năm cho một tiểu thuyết hoặc tuyển tập truyện ngắn được viết nguyên bản bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, đã được dịch sang tiếng Anh, xuất bản ở Anh hoặc Ireland. Số tiền thưởng trị giá 50.000 bảng được chia đều cho tác giả và người dịch của cuốn sách đoạt giải. Tác phẩm chiến thắng năm ngoái là Kairos của và dịch giả Michael Hofmann. Nhà văn đoạt Nobel Văn học 2024 từng nhận giải thưởng này năm 2016.

Ngoài Booker Quốc tế, văn đàn Anh còn có , thành lập năm 1968. Sự kiện từng được biết đến với tên Booker – McConnell hoặc The Man Booker, là giải thưởng văn chương danh giá nhất trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh. Từ năm 2014, ban tổ chức cho phép các tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh và được xuất bản ở Anh của các nhà văn nước ngoài tranh giải.

Châu Anh (theo The Guardian)