Sau hơn 180 năm, tàu hoàng gia Anh sẽ dừng hoạt động vào 2027 để tiết kiệm ngân sách, khép lại một biểu tượng lịch sử từng gắn liền với hoàng gia và ngành đường sắt Anh.
Từ những năm 1840, Nữ hoàng Victoria là người đầu tiên trong Hoàng gia Anh đi tàu riêng. Sau hơn 180 năm, Vua Charles III dự kiến dừng truyền thống lâu đời này vào tháng 3/2027.
Đoàn tàu hoàng gia mang màu đỏ claret đặc trưng sẽ dừng hoạt động để tiết kiệm ngân sách. Các thành viên hoàng gia sẽ di chuyển bằng trực thăng hoặc tàu hỏa thương mại khi công du trong nước.
Ông James Chalmers, người phụ trách tài chính Hoàng gia, cho biết việc chia tay đoàn tàu là điều “đáng tiếc”, nhưng Hoàng gia “không thể mãi giữ những thứ đã cũ”. Ông cho rằng tàu hoàng gia từ lâu đã là một phần quen thuộc của nước Anh, được chăm sóc và yêu quý suốt nhiều thế hệ.
Tin đoàn tàu sắp dừng bánh khiến nhiều người dân Wolverton, Buckinghamshire -thị trấn đường sắt đầu tiên thế giới, tiếc nuối. Từ năm 1842, Wolverton là nơi đóng và bảo dưỡng các toa tàu dành riêng cho Hoàng gia.
“Người Wolverton ai cũng tự hào vì có người nhà từng làm việc trên tàu hoàng gia”, ông Philip Marsh, chuyên gia đường sắt và tác giả sách về Wolverton, nói.
Ông Andrea Rossi, lãnh đạo DB Cargo UK – đơn vị vận hành đoàn tàu suốt 30 năm, cho hay đây là tin buồn với cả ngành đường sắt. Mỗi chuyến tàu Hoàng gia ra đường ray đều đặc biệt. Các lái tàu luôn hãnh diện vì được điều khiển con tàu danh giá nhất nước Anh.
Không còn xa hoa như thời Nữ hoàng Victoria, đoàn tàu hiện tại được đóng từ những năm 1970, bên trong khá đơn giản, giống khách sạn công vụ. Trang thiết bị đã xuống cấp, ít được dùng trong nhiều năm gần đây.

Nội thất bên trong tàu Hoàng gia Anh thời của Nữ hoàng Victoria. Ảnh: The Board of Trustees of the Science Museum
Năm 1997, Hoàng gia Anh từng có ý định cho tàu “nghỉ hưu”, nhưng Nữ hoàng Elizabeth II vẫn dùng trong các lễ kỷ niệm lớn. Lần gần nhất là năm 2020, Hoàng tử William và Công nương Kate đi tàu hơn 2.000 km để cảm ơn lực lượng tuyến đầu chống Covid-19. Đoàn tàu còn nhiều lần chạy cùng các đầu máy hơi nước nổi tiếng, thu hút đám đông.
Khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời năm 2022, nhiều người hy vọng tàu sẽ đưa linh cữu bà về London nhưng kế hoạch này bị hủy vì lý do an ninh.
Đoàn tàu đã cũ, việc nâng cấp toàn bộ theo tiêu chuẩn mới có thể tiêu tốn hàng chục triệu USD. Đóng mới còn tốn kém hơn, nhất là khi ngân sách Hoàng gia đã tăng để sửa Cung điện Buckingham trị giá 500 triệu USD.
Nhiều người bất ngờ khi Vua Charles – người nổi tiếng bảo vệ môi trường, lại chọn bỏ tàu hoàng gia để thay bằng trực thăng phát thải cao hơn. Quyết định này còn gây tranh cãi vì trùng thời điểm nước Anh chuẩn bị kỷ niệm 200 năm đường sắt công cộng.
Theo Báo cáo tài chính năm 2024 – 2025 Hoàng gia Anh công, các con số cho thấy tàu không còn hiệu quả. Năm 2024-2025, tàu chỉ chạy hai chuyến, tốn hơn 105.000 USD. Trong khi đó, Hoàng gia dùng 55 chuyến bay riêng, 141 chuyến trực thăng, tổng chi phí di chuyển năm ngoái lên tới 6,4 triệu USD, tăng gần 700.000 USD so với năm trước.
Nhiều Hoàng gia khác cũng bỏ tàu riêng như Nhật Bản, Thụy Điển, Hà Lan. Hiện chỉ còn Đan Mạch và Na Uy giữ lại toa hoàng gia nhưng cũng ít khi sử dụng.
Toa tàu đầu tiên dành riêng cho Hoàng gia Anh được đóng năm 1842 cho Hoàng hậu Adelaide. Nữ hoàng Victoria là người biến tàu hỏa thành phương tiện gắn bó với Hoàng gia, giúp bà đi khắp nước Anh gặp gỡ người dân. Đoàn tàu khi đó liên tục đi đầu công nghệ, từ đèn điện, toilet, radio, điện thoại đến phòng ngủ, bồn tắm.
“Những thứ mới trên tàu hoàng gia sau này được ứng dụng cho tàu khách phổ thông”, ông Marsh nói và cho hay tàu vừa an toàn, vừa giúp các thành viên Hoàng gia làm việc, nghỉ ngơi và đến nơi trong trạng thái tốt nhất.
Dự kiến trước khi dừng bánh, tàu Hoàng gia Anh sẽ có chuyến tạm biệt vòng quanh đất nước để người dân chiêm ngưỡng. Nhiều toa tàu cũ đã được trưng bày tại Bảo tàng Đường sắt Quốc gia ở York.
“Tôi hy vọng chúng sẽ được giữ lại và trưng bày đúng nơi, thay vì bị tháo dỡ”, ông Marsh nói.
Bích Phương (Theo CNN)