
Tên lửa đẩy Long March-2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-19 bay lên không gian vào ngày 30-10-2024 – Ảnh: REUTERS
Ngày 30-4, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin tàu vũ trụ Thần Châu-19 (Shenzhou-19) đã hạ cánh xuống miền bắc nước này, khép lại sứ mệnh kéo dài sáu tháng trên trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong).
Việc hạ cánh bị trì hoãn một ngày do điều kiện thời tiết bất lợi tại khu vực tiếp đất.
Phi hành đoàn Thần Châu-19 gồm ba thành viên, trong đó có hai phi hành gia nam (một người 48 tuổi và một người 34 tuổi), và một phi hành gia nữ (35 tuổi), tất cả đều thuộc lực lượng không quân Trung Quốc.
Chuyến hành trình với Thần Châu-19 cũng là chuyến bay vào không gian đầu tiên của hai phi hành gia trẻ tuổi.
Trong thời gian làm việc trên trạm Thiên Cung kể từ tháng 10-2024, phi hành đoàn Thần Châu-19 đã thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học, bao gồm nghiên cứu về môi trường sống ngoài Trái đất.
Ngoài ra, giới chuyên gia dự đoán phi hành đoàn đã thực hiện thử nghiệm những viên gạch làm từ một loại đất đặc biệt, mô phỏng đất trên Mặt trăng, trong điều kiện không gian.
Nếu cuộc thí nghiệm trên thành công, những viên gạch này có thể sẽ trở thành vật liệu chính trong việc xây dựng một trạm nghiên cứu cố định trên Mặt trăng. Trước đó, Bắc Kinh đã từng hy vọng sẽ hoàn thành một trạm nghiên cứu cố định trên Mặt trăng vào năm 2035.
Trước khi Thần Châu-19 trở về đến Trái đất, vào ngày 24-4, tàu vũ trụ Thần Châu-20 đã đưa ba phi hành gia khác lên trạm vũ trụ Thiên Cung để làm nhiệm vụ.
Trong mỗi sứ mệnh Thần Châu, chiếc tàu vũ trụ cùng tên sẽ đưa một phi hành đoàn ba người vào không gian và ở lại đó nghiên cứu trong vòng sáu tháng. Thời điểm các phi hành đoàn đến và rời đi được sắp xếp chồng chéo để bảo đảm quá trình bàn giao nhiệm vụ được thực hiện trực tiếp trên quỹ đạo.
Theo Hãng tin Reuters, tàu Thần Châu là một phần quan trọng trong chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, và các nhiệm vụ Thần Châu vẫn được duy trì đều đặn trong suốt hai thập kỷ qua.
Tần suất các chuyến bay vào không gian của Trung Quốc tăng lên đáng kể sau khi nước này hoàn tất việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng 11-2022.
Bên cạnh mục tiêu duy trì sự hiện diện lâu dài trên quỹ đạo, Bắc Kinh cũng đặt tham vọng đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2030.
Tuy nhiên, các chương trình không gian có người lái và không người lái của Trung Quốc phát triển nhanh chóng đã khiến Mỹ lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh Washington đang gặp phải một số trục trặc với các sứ mệnh không gian có người lái gần đây.