Lợi dụng sơ hở để trục lợi
Là huấn luyện viên pickleball tại trường Đại học Hoa Sen hơn 2 năm, anh Phạm Hữu Thành (ngụ tại TPHCM), nhận định có thực trạng nhiều người đổ xô đi huấn luyện môn thể thao này nhưng chưa đảm bảo trình độ chuyên môn.

Anh Phạm Hữu Thành, giảng viên pickleball tại trường Đại học Hoa Sen (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Để trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp, bắt buộc phải có chứng chỉ rõ ràng do cơ quan chức năng cấp. Chứng chỉ này không chỉ là minh chứng cho quá trình tham gia đào tạo về kỹ năng chơi chuyên nghiệp mà còn là kỹ năng tổ chức giảng dạy”, anh Thành chia sẻ.
Anh Thành cho hay trước khi trở thành huấn luyện viên pickleball, anh từng có hơn 1 năm huấn luyện môn cầu lông, võ và nhiều môn thể thao khác.
Dù có kinh nghiệm, anh vẫn cố gắng tìm kiếm các khóa đào tạo chuyên nghiệp để có được chứng chỉ rồi mới tham gia giảng dạy. Chi phí cho mỗi chứng chỉ thường dao động khoảng 2 triệu đồng.
Ban đầu, anh Thành thuê một huấn luyện viên có uy tín trong nghề để hỗ trợ học và rèn luyện các kỹ năng nhằm chuyển đổi sang bộ môn mới. Sau đó, anh đăng ký học chứng chỉ Luật và các kỹ thuật căn bản pickleball cho người mới, do Sở Văn hóa và thể thao phối hợp với Liên đoàn quần vợt – pickleball cấp.

Anh Thành trong lần tham dự lớp tập huấn huấn luyện viên môn pickleball quốc gia năm 2025 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Anh tiếp tục học thêm các chứng chỉ khác như huấn luyện pickleball quốc gia. Riêng các chứng chỉ mà anh được cấp từ tổ chức quốc tế thì đều phải được Cục Thể dục – thể thao thông qua, Sở Văn hóa và thể thao cấp phép thì mới được lưu hành sử dụng.
“Tôi cũng đang tìm hiểu thêm những chứng chỉ quốc tế để tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng. Nếu so với vận động viên, một huấn luyện viên lại càng phải trau dồi kiến thức, luyện tập nhiều hơn để nâng tầm chất lượng giảng dạy”, anh khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Kiều Mỹ, Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt – pickleball TPHCM, nhận định thị trường ngày nay xuất hiện không ít các khóa học chưa đủ chuẩn, nhưng lại cấp chứng chỉ giảng dạy pickleball chỉ sau vài buổi huấn luyện. Điều này tạo sơ hở cho những người “tay ngang”, không có năng lực chuyên môn trục lợi bằng cách trở thành huấn luyện viên và thu học phí cao.
Sớm có tiêu chuẩn cụ thể
Bà Kiều Mỹ cho biết đến nay, người có mong muốn trở thành huấn luyện viên pickleball thì ít nhất phải đỗ các giáo trình, có chứng nhận qua đào tạo do Cục Thể dục – thể thao và Liên đoàn quần vợt – pickleball cấp.
Được biết, đơn vị đã tổ chức 5 lớp đào tạo huấn luyện viên và trọng tài cho bộ môn thể thao này. Các chứng chỉ hiện có quy mô ở mức chung là cấp thành phố. Sắp tới, đơn vị dự định mở thêm các lớp đào để đáp ứng nhu cầu của học viên.

Pickleball là môn thể thao mới thịnh hành, thu hút nhiều người chơi, tạo cơ hội cho nghề đào tạo pickleball xuất hiện (Ảnh minh họa).
“Để chuẩn hóa tiêu chuẩn của huấn luyện viên pickleball, chúng tôi vẫn đang phối hợp với các bên liên quan để tìm ra giải pháp. Trước mắt, các đơn vị sẽ chờ thành lập liên đoàn cấp quốc gia do Cục Thể dục – thể thao quản trị chính thức. Từ đó, tạo tiền đề cho pickleball được đưa vào nghị định, thông tư cùng với các môn thể thao khác của Việt Nam, để cùng hoạt động chung chuẩn mực”, bà Kiều Mỹ nói.
Anh Phạm Hữu Thành, huấn luyện viên pickleball, bộc bạch đây là một nghề mới, có thu nhập lý tưởng cho người có năng lực.
“Ngoài giảng dạy ở trường, tôi còn mở thêm lớp đào tạo bên ngoài. Do có kinh nghiệm giảng dạy và bằng cấp, thu nhập mỗi giờ của tôi là 300.000 đồng, đây là mức trung bình trên thị trường. Mỗi học viên thường đăng ký học 2-3 buổi/tuần”, anh Thành nói.
Vì vậy, anh hi vọng trong thời gian tới, bộ môn này sẽ có hệ thống tổ chức giải đấu rõ ràng và chuẩn hóa hơn. Các huấn luyện viên sẽ được quan tâm, đào tạo rõ ràng hơn về cơ – sinh – lý học, không chỉ về chuyên môn mà còn những yếu tố liên quan đến thể chất của con người.