Tiếp giáp đường biên giới Campuchia dài 240 km, có 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia, 10 cửa khẩu phụ và nằm liền kề TP.HCM, Tây Ninh từ lâu đã được biết đến như một mảnh đất trung chuyển quan trọng, cửa ngõ bước ra thế giới. Tuy nhiên, chỉ đến khi các dự án hạ tầng lớn lần lượt được triển khai, tiềm năng giao thương của vùng đất này mới thực sự bùng nổ ở khu vực Đông Nam bộ.

Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (H.Tân Biên), mỗi ngày có hàng trăm xe tải, container, xe khách xuất nhập cảnh, tạo nên nhịp điệu sôi động của giao thương hiện đại
ẢNH: THANH QUÂN
Mắt xích trong hành lang kinh tế xuyên Á
Không chỉ có Mộc Bài (H.Bến Cầu), Tây Ninh còn sở hữu cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Tân Nam (đều thuộc H.Tân Biên) cùng 3 cửa khẩu quốc gia Phước Tân (Châu Thành), Chàng Riệc, Kà Tum (cùng thuộc H.Tân Biên) và 10 cửa khẩu phụ. Các tuyến Quốc lộ 22, đường Xuyên Á, trục Gò Dầu – Xa Mát… ngày càng hoàn chỉnh, đưa Tây Ninh thành một mắt xích trong hành lang kinh tế xuyên Á.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trong giai đoạn 2022 – 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh đạt gần 3 tỉ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của cả khu vực miền Nam.
Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỉ USD (tăng 20% so với cùng kỳ), còn nhập khẩu đạt hơn 1,4 tỉ USD (tăng 18% so với năm trước). Sự tăng trưởng này không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của Tây Ninh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước mà còn minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại biên giới.

Nhiều khu vực thuộc Tây Ninh nằm dọc tuyến đường Xuyên Á (nối TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài) rất phát triển
ẢNH: THANH QUÂN
Anh Lê Văn Hiển (42 tuổi, ở TP.Tây Ninh) kỳ vọng: “Vài năm tới, khi cao tốc TP.HCM – Mộc Bài hoàn thành thì khoảng cách giữa vùng biên và trung tâm kinh tế lớn nhất nước sẽ được rút ngắn đi rất nhiều. Hy vọng điều này sẽ mở ra bước ngoặt cho Tây Ninh về logistics và thương mại quốc tế. Từ đó, đời sống xã hội của người dân cũng được tốt hơn”.
Vệ tinh công nghiệp phát triển
Bên cạnh thế mạnh biên mậu, công nghiệp đang là động lực tăng trưởng mới của Tây Ninh. Trong đó, TX.Trảng Bàng đã chuyển mình từ huyện nông nghiệp thành thị xã công nghiệp sôi động, thu hút hàng loạt khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn. Tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn TX.Trảng Bàng có 3 KCN lớn đã đi vào hoạt động, gồm KCN Thành Thành Công (diện tích 760 ha), KCN Trảng Bàng (diện tích 189 ha) và KCN Linh Trung 3 (202 ha).

Khu công nghiệp Thành Thành Công ở TX.Trảng Bàng
ẢNH: THANH QUÂN
H.Gò Dầu sở hữu KCN Phước Đông – Bời Lời (diện tích 2.200 ha), một trong những khu công nghiệp lớn nhất cả nước, với hạ tầng hiện đại và quỹ đất dồi dào. Ngoài ra, còn có KCN Hiệp Thạnh (diện tích gần 500 ha) đã được trao giấy chứng nhận đầu tư.
Đây không chỉ là động lực tăng trưởng cho tỉnh mà còn là đầu mối cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho cả miền Đông Nam bộ và vùng biên.

Hiện nay ở Tây Ninh có nhiều khu công nghiệp lớn
ẢNH: THANH QUÂN
Những năm qua, các vùng như H.Gò Dầu, TX.Trảng Bàng, H.Bến Cầu không còn là những địa phương xa xôi mà đang nổi lên như các đô thị vệ tinh với vai trò trung tâm công nghiệp và logistics. Việc phát triển các KCN không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, mà còn tạo ra chuỗi giá trị sản xuất – xuất khẩu hoàn chỉnh. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, kho vận cũng từ đó phát triển theo, tạo thế liên hoàn giữa các KCN, khu dân cư, và hệ thống giao thông vùng.

Từ khi hạ tầng kết nối các cửa khẩu hoàn thiện, kinh tế vùng biên ở Tây Ninh cũng dần khởi sắc
ẢNH: THANH QUÂN
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, tính đến hết năm 2024, trên địa bàn các khu kinh tế, KCN trong tỉnh đã có hơn 400 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 9,4 tỉ USD và 20.708 tỉ đồng; có hơn 300 dự án đang hoạt động, trong đó có hơn 230 dự án FDI. Ngành nghề chủ yếu tập trung vào ngành may mặc, sản xuất vỏ ruột xe, đồ gia dụng và công nghiệp chế biến chế tạo cho các sản phẩm công nghiệp… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước; xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. (còn tiếp)
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trong năm 2024 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng 8,45% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.263 USD/năm. So với các tỉnh, thành trong cả nước, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 19/64 tỉnh, thành phố và xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam bộ.
Đón đọc kỳ tiếp theo: Tây Ninh – Vùng biên mở lối: Chọn lối đi bền vững