
Báo chí chính thống và mạng xã hội đều đưa tin về sự ra đi của PGS.TS Bùi Hiền.
Trên hầu hết trang báo, PGS. TS Bùi Hiền được nhớ đến như một nhà ngôn ngữ học, có nhiều thành tựu trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt là với tiếng Nga. Tin tức điếu văn cũng đồng thời đề cập tới các công trình trong những năm cuối đời của ông, trong đó có đề xuất cải tiến tiếng Việt.
Phản ứng trên mạng xã hội mới là điều khiến tôi cảm thấy khó hiểu. Dưới không chỉ một, mà nhiều bài đăng về sự ra đi của ông, là hàng loạt người dùng thả biểu tượng “mặt cười” kèm những dòng bình luận mỉa mai nghiên cứu cải tiến tiếng Việt.
Họ hiểu gì về người vừa nằm xuống?
PGS. TS Bùi Hiền là tác giả của hàng chục đầu sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy, sách tham khảo tiếng Nga trong trường phổ thông. Ông tham gia viết nhiều bộ từ điển trong đó có bộ “Từ điển giáo khoa Nga – Việt” được gắn Huy chương quốc tế “Bussiness initiative directions” (Phương hướng sáng kiến kinh doanh) và “International gold star for quality” (Ngôi sao chất lượng quốc tế).
Ông từng được tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng II; Huy chương Puskin vì thành tích truyền bá tiếng Nga và Huy chương “Cán bộ ưu tú ngành xuất bản Liên Xô”.
Cuối đời, ông bỏ tiền túi nghiên cứu hoàn thiện tiếng Việt. Đề xuất của ông có thể hợp lý, có thể chưa, nhưng chắc chắn xuất phát từ thái độ nghiêm túc của người làm khoa học thuần túy. Công trình nghiên cứu của ông – công bố trong một hội thảo chuyên môn – đã bị suy diễn thành “cái sắp xảy ra”. Một đề xuất cải tiến bị quy kết là “có ý định phá bỏ tiếng Việt”. Sự phán xét của những người không có đầy đủ thông tin và kiến thức chuyên môn đã khiến cho một sự nghiệp lớn bị lu mờ chỉ vì một công trình nghiên cứu còn gây tranh cãi.
Tôi không gọi tên được chính xác cảm xúc của mình lúc đó. Nhưng có một thứ cứ nghèn nghẹn trong cổ họng, vừa như là sự phẫn uất, vừa có phần kinh ngạc. Tôi tin rằng mọi người Việt nói và hiểu tiếng Việt đều biết tới thành ngữ “nghĩa tử là nghĩa tận” – mọi oán hờn ghen ghét thậm chí đều nên buông bỏ trước cái chết, huống hồ PGS Bùi Hiền không hại tới ai, chỉ là một người làm công việc của mình với tất cả tình yêu khoa học và tiếng Việt. Mọi người Việt được dạy dỗ tử tế hẳn đều hiểu vì sao ta nên im lặng cúi đầu hoặc chí ít không ồn ã nói cười khi tới một đám tang.
Tôi không bắt buộc ai cũng phải tiếc thương PGS.TS Bùi Hiền. Nhưng nếu không thể dành cho ông sự trân trọng, ít nhất cũng không nên cười cợt. Không phải vì ông là giáo sư mà vì ông là một con người. Nếu có gì cần phản biện, hãy phản biện lúc người ta còn sống. Một người đã nằm xuống, không còn cơ hội phản biện, không thể thanh minh, không thể bảo vệ mình nữa. Khi họ đã nằm xuống, mọi lời buông ra đều nói nhiều về người sống hơn là người mất.
Câu chuyện của ông làm tôi nhớ đến một hiện tượng đã không còn mới trong thời đại mạng xã hội và vẫn xảy ra hàng ngày. Đó là thói quen thả cảm xúc không cần nghĩ, buông lời phán xét như một phản xạ, và hưởng thụ cảm giác được đứng về “phe số đông”. Khi thấy một dòng tin buồn, một sự cố đau lòng, có người thả biểu tượng buồn, có người im lặng, nhưng cũng có người cười cợt như một cách giải trí trước hoàn cảnh của người khác.
Vừa sáng nay thôi, tôi nhìn thấy một video về tai nạn đường tàu được chia sẻ trong một diễn đàn lớn. Video ghi lại cảnh một phụ nữ sắp sửa băng qua đường giao với ray tàu hỏa. Chị dường như đeo tai nghe, không nhận ra tàu đang đến gần, nên đã lao sát mũi tàu và bị hất văng xuống đường. Bình luận nhận được nhiều tương tác nhất (hơn 1.000 lượt cho tới khi tôi nhìn thấy, trong đó có nhiều “mặt cười”) là câu hỏi: “Tàu có bị làm sao không”? Chỉ những người vô cảm mới có thể cười cợt trước một câu đùa vô duyên và vô tâm như vậy.
Tôi không biết từ bao giờ, việc chê bai, hùa theo đám đông, biến nỗi đau của người khác thành trò cười lại trở nên dễ dàng được hưởng ứng. Có thể là từ khi chúng ta được cấp quyền bày tỏ cảm xúc chỉ bằng một cái nhấn nút, nhưng lại quên rằng phía sau mỗi dòng tin là một số phận.
Tôi không viết những dòng này để đánh giá ai đúng ai sai. Tôi chỉ nghĩ, ai trong chúng ta cũng có thể gặp chuyện buồn, cũng đến lúc phải ra đi – không phải bởi thành công hay thất bại, mà bởi một trái tim đã mỏi mệt và một linh hồn cần yên nghỉ.
Vậy nên, trước một cái chết, hay nỗi đau, nếu không mở lòng sẻ chia, chí ít hãy im lặng như một biểu hiện tối thiểu của sự tử tế.
Lê Hoài Việt