Thách thức cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 Hà Nội

Thách thức cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 Hà Nội

bởi

trong
Thách thức cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 Hà Nội

‘Chưa đầy một năm nữa là cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1, nhưng tôi không biết vợ chồng đi làm, các con đi học thế nào?’.

“Nhà tôi ở trong Vành đai 1. Bản thân tôi chưa hiểu với chính sách mới – cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026 thì vợ chồng mình đi làm, các con mình đi học thế nào? Việc chuyển đổi từ xe xăng, dầu, sang xe điện, còn chưa đầy một năm nữa, sẽ tốn một số tiền không hề nhỏ cho mỗi gia đình, chưa kể các xe xăng không sử dụng nữa thì Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ cho những hộ gia đình sinh sống trong vành đai 1 không?

Ngoài ra, tôi đang chưa rõ việc cấm các xe xăng, dầu vào vành đai 1 thì chính quyền sẽ dựng hàng rào kiểm soát phương tiện đi lại như thế nào? Nếu chỉ dựa vào mỗi ý thức người dân thì sẽ rất khó. Tôi ủng hộ quan điểm chuyển đổi xanh và hạn chế xe máy của Hà Nội nhưng cần có một lộ trình bài bản và phù hợp”.

Đó là câu hỏi của độc giả về lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực trung tâm từ giữa năm 2026, tiến tới mở rộng vùng phát thải thấp toàn thành phố vào năm 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026. Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

>>

Cùng chung thắc mắc về tính khả thi của lộ trình cấm xe máy chạy xăng, dầu của thành phố, bạn đọc nêu quan điểm: “Dân số nội đô ở Hà Nội hơn 4 triệu người, . Trong vòng một, hai năm ngắn ngủi, liệu thành phố có thể tăng thêm gấp vài lần số xe buýt, trạm sạc, để đáp ứng nhu cầu di chuyển của những người này không?

Nếu không có phương án di chuyển thay thế, hoặc phương án đó làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn rất nhiều, thì họ ắt sẽ vẫn phải đi xe xăng ra đường để đảm bảo sinh kế, vậy lúc đó xử lý như thế nào? Theo tôi, hai năm là quá ngắn để thích nghi với một sự thay đổi lớn như thế này”.

Bày tỏ lo ngại về những hệ lụy phát sinh từ lộ trình cấm xe máy tại Hà Nội, độc giả phân tích: “Cần xem xét kỹ lưỡng đề xuất cấm xe xăng dầu vì nhiều lý do thực tiễn:

Trước hết, đây là bài toán an sinh xã hội. Với hàng vạn người lao động như tài xế công nghệ, người giao hàng, hay tiểu thương, chiếc xe là ‘cần câu cơm’. Nếu chưa có chính sách hỗ trợ thỏa đáng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và cuộc sống của rất nhiều gia đình.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông thay thế chưa sẵn sàng. Mạng lưới giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện trên cao còn mỏng, chưa đủ độ phủ và sự tiện lợi để thuyết phục người dân từ bỏ phương tiện cá nhân. Vấn đề thiếu trạm sạc cho xe điện cũng là một rào cản lớn, đặc biệt với đặc thù nhà trong ngõ nhỏ của Hà Nội.

Quan trọng hơn, thực tế bụi mịn PM2.5 còn đến từ nhiều nguồn lớn khác như công trường xây dựng, khí thải công nghiệp, làng nghề và nạn đốt rơm rạ theo mùa. Nếu không có một giải pháp tổng thể để giải quyết đồng bộ các vấn đề gốc rễ này, việc chỉ cấm xe sẽ khó mang lại hiệu quả như kỳ vọng”.

Trong khi đó, nhiều ý kiến lại ủng hộ chủ trương sớm cấm xe máy chạy xăng, dầu trong nội đô. Bạn đọc nhấn mạnh: “Không nên xem nhẹ tác động của xe máy chạy xăng trong ô nhiễm không khí. Việc chuyển đổi sang xe điện không chỉ giảm khí thải mà còn giảm tiếng ồn, tiết kiệm chi phí vận hành. Tất nhiên, cần kết hợp với kiểm soát công trình xây dựng và phát triển giao thông công cộng. Nhưng cấm xe xăng ở trung tâm là bước đi đúng, nếu đi kèm chính sách hỗ trợ thì người dân sẽ dễ dàng thích nghi.

Xe điện là xu hướng tất yếu, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội. Tôi đã chuyển sang dùng xe điện được hơn một năm, cảm thấy rất hài lòng. Xe chạy êm, không mùi xăng, chi phí vận hành thấp. Nếu có thêm chính sách hỗ trợ thì chắc chắn sẽ có nhiều người chuyển đổi”.

“Dân số ngày càng gia tăng, tỷ lệ ô nhiễm cũng tăng theo. Việc cấm các phương tiện gây ô nhiễm là cấp bách (thay xe xăng bằng xe điện), đến bây giờ chúng ta mới áp dụng là khá chậm, nhưng có vẫn hơn không. Tôi ủng hộ quyết định đúng đắn này. Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành luật chặt chẽ cấm triệt để các quán ăn nhả khói, công trình xây dựng nhả bụi ra môi trường. Đây cũng là những nguồn phát thải gây ô nhiễm không kém xe chạy xăng, dầu”, độc giả nói thêm.

>>

Làm gì để lộ trình cấm xe máy, ôtô chạy xăng dầu phát huy hiệu quả tối đa, bạn đọc đề xuất giải pháp: “Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như vấn nạn tắc đường ở Hà Nội thì cấm xe máy chạy xăng là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, cấm thì người dân sẽ đi bằng gì? Đó cũng là một câu hỏi mà thành phố cần nghiên cứu và tìm lời giải thỏa đáng.

Theo tôi, một số giải pháp cần thực hiện là: tiếp tục mở rộng các con đường, tuyến phố, kết hợp bổ sung thêm các tuyến xe buýt điện. Đặc biệt là ưu tiên sớm triển khai các hệ thống đường sắt đô thị, trồng thêm cây xanh và mở rộng vỉa hè cho người đi bộ. Mục đích là làm sao cho người dân có thể dễ dàng đi bộ tiếp cận các điểm đón xe buýt, các ga tàu điện. Làm được như vậy thì chẳng cần cấm, người dân cũng sẽ tự nguyện chuyển đổi sang phương tiện công cộng”.

Đồng quan điểm, độc giả gợi ý: “Nếu đã có lộ trình thì nên cấm đăng ký xe chạy xăng dầu trong những khu vực trung tâm, nội thành. Sau đó, chỉ cho xe chạy bằng xăng, dầu có biển nội thành đã đăng ký trước đó hoạt động và không cho đăng ký mới. Sau một thời gian, dần dần lượng xe chạy xăng dầu trong nội thành sẽ giảm và hết hẳn. làm như vậy, người dân vừa không bị lãng phí tài sản mới mua hoặc vẫn còn sử dụng tốt, mà các đại lý bán xe cũng có thời gian tìm phương án chuyển ra ngoại thành hoặc chuyển đổi sản phẩm snag xe điện”.

Thành Lê tổng hợp