Thách thức của thị trường phim nhập khẩu

Thách thức của thị trường phim nhập khẩu

bởi

trong
Thách thức của thị trường phim nhập khẩu

SỨC CẠNH TRANH TỪ PHIM NỘI ĐỊA

Theo số liệu từ Box Office Vietnam, 6 tháng đầu năm 2025, phòng vé trong nước (trong 130 phim ra rạp có 19 phim Việt) đạt doanh thu 3.017 tỉ đồng, tăng gần 270 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, và được dự báo sẽ vượt mốc 110 triệu USD vào năm 2029. Các nhà nhập khẩu phim chiếu rạp cũng đang mở rộng thị phần khi đa dạng hóa thể loại phim, nội dung phim để đáp ứng thị hiếu khán giả Việt. Phim từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hiện có lượng khán giả ổn định.

Các phim nước ngoài khởi chiếu tại rạp Việt từ tháng 7. Trong đó, Conan Movie 28: Dư ảnh của độc nhãn đang có doanh thu 50 tỉ đồng; Thế giới khủng long: Tái sinh 42 tỉ đồng; Superman (2025) 22 tỉ đồng

ẢNH: NHÀ PHÁT HÀNH CUNG CẤP

Nhận định về thị trường nhập khẩu phim, cây viết phê bình phim Nguyễn Phong Việt cho rằng do số lượng phim Việt chiếu chưa nhiều nên phim nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn tại rạp Việt là điều hiển nhiên. Ở VN cũng có nhiều nhà rạp kiêm luôn phát hành và thêm nhiều đơn vị nhập khẩu phim nước ngoài. Do đó, việc nhập phim là tất yếu nhằm tạo ra “thực đơn” phong phú để khán giả trải nghiệm, cũng như giữ thói quen ra rạp cho khán giả.

Trên thực tế, một số nhà nhập khẩu phim cho rằng một trong những thách thức lớn nhất hiện nay chính là sức cạnh tranh mạnh mẽ từ phim nội địa. Từ đầu năm đến nay đã có 8 phim Việt đạt mốc doanh thu trên 100 tỉ đồng, trong đó 6 phim doanh thu cao nhất là: Bộ tứ báo thủ (332 tỉ đồng), Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu (249 tỉ đồng), Nhà gia tiên (242 tỉ đồng), Lật mặt 8: Vòng tay nắng (232 tỉ đồng), Nụ hôn bạc tỷ (211 tỉ đồng), Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (172 tỉ đồng). Những phim này không chỉ thu hút khán giả mà còn định hình gu thưởng thức, khiến phim nhập khẩu phải “chia nhỏ” thị phần, như nhận định của đạo diễn Vũ Thành Vinh thuộc đơn vị nhập khẩu phim Truyền thông Khang: “Phim Việt đang thắng thế, khán giả Việt rất yêu phim Việt nên nếu nhập khẩu phim mà không tính toán kỹ rất dễ thua lỗ”.

Một trở ngại khác là chi phí bản quyền ngày càng leo thang. Việc nhiều đơn vị cùng chạy đua mua bản quyền khiến giá nhập phim tăng gấp 3 – 4 lần so với giá chào bán ban đầu. Không chỉ vậy, chi phí quảng bá và truyền thông cũng không nhẹ nếu muốn phim ra rạp có sức hút. Nếu doanh thu không như kỳ vọng, khoản đầu tư lớn vào bản quyền và truyền thông có thể khiến nhà phát hành lỗ nặng.

Một rủi ro khác là thị hiếu khán giả Việt không phải lúc nào cũng trùng khớp với thị hiếu khán giả quốc tế. Nhiều bom tấn quốc tế khi ra rạp tại VN lại thất thu như Nàng Bạch Tuyết, Mickey 17 hay một số bộ phim châu Á gần đây như Yêu vì tiền, điên vì tình; Gấu yêu của anh…

CẦN CHIẾN LƯỢC RÕ RÀNG

Sự tăng trưởng về doanh thu của thị trường phim chiếu rạp tại VN là cơ hội, song song đó các đơn vị nhập khẩu cần chiến lược rõ ràng. Việc lựa chọn phim cần dựa vào phân tích cụ thể thị trường VN thay vì chỉ trông chờ vào các thương hiệu quốc tế. Những dòng phim nhẹ nhàng, gần gũi với khán giả như phim gia đình, tình cảm, kinh dị nhẹ… thường có biên độ rủi ro thấp hơn so với các siêu phẩm bom tấn.

“Chắc chắn khi nhập khẩu phải tính đến thị hiếu khán giả, chọn cả phân khúc, nghĩa là mình chọn những bộ phim hợp với khán giả Việt như gần đây có các phim của Thái Lan, Hàn Quốc. Trước đây thì phim Mỹ ăn khách nhưng giờ lại gặp khó khăn ở thị trường VN vì khán giả có vẻ không thích đánh đấm, kỹ xảo… nữa. Giờ họ thích phim Thái, Hàn vì gần gũi, hấp dẫn…”, đạo diễn Vũ Thành Vinh nhận định.

Nói thêm về giải pháp để mở rộng và “sống” được trong thị trường nhập khẩu phim, đại diện Truyền thông Khang cho rằng khi tham gia các hội chợ phim có thể thấy những bộ phim muốn bán được phải có nội dung hấp dẫn, kèm theo đó phải có ngôi sao để bảo chứng về doanh thu; hoặc những phim theo sê-ri vì phần 1 hấp dẫn rồi thì phần 2 sẽ được chờ đón. “Đây là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, mà trong kinh doanh lúc nào cũng có rủi ro. Nếu mình mua 10 phim, trong đó từ 3 – 5 phim có lợi nhuận, 1 – 2 phim hòa vốn và còn lại là lỗ, mà nếu tính tổng doanh thu nhập khẩu 10 phim mình vẫn có lời, thì cũng như chấp nhận thua một trận đấu nhưng thắng một cuộc chiến”, đạo diễn Vũ Thành Vinh phân tích thêm.

Nói về việc thời gian qua có nhiều phim nhập khẩu doanh thu ảm đạm, đạo diễn Vũ Thành Vinh cho rằng có những phim vốn đã hấp dẫn, có nhiều tiềm năng hút khán giả nhưng cũng có những phim phải làm truyền thông, tìm cách để mở rộng tệp khán giả. Hơn nữa, khán giả giờ có nhiều cách tiếp cận, xem phim trên các nền tảng, nên các nhà nhập khẩu phim phải tính toán kỹ.

“Mỗi đơn vị nhập khẩu phim đều có ê kíp được đánh giá theo nhiều khía cạnh và mang dấu ấn cá nhân. Nghĩa là chất lượng phim nhập khẩu phụ thuộc vào sự thẩm định của đơn vị đó và phải chấp nhận sự “hên xui”. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu phim sẽ lấy dữ liệu từ nhà phát hành về thông số khán giả, độ tuổi, thị trường… để giúp họ có cái nhìn và quyết định có nhập phim hay không”, ông Nguyễn Phong Việt chia sẻ.

Trong bối cảnh phim Việt đang trỗi dậy mạnh mẽ, việc nhập khẩu phim nước ngoài càng đòi hỏi sự chọn lọc kỹ lưỡng, linh hoạt theo thị hiếu thưởng thức của khán giả và đầu tư bài bản về truyền thông nếu không muốn bị “đánh bật” khỏi rạp chiếu.