Thông tin trên được ông Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình báo cáo tại Hội nghị Tổng kết Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh, ngày 21/6.

Hội nghị Tổng kết Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ (Ảnh: TB).
Triển khai theo Quyết định số 21/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ tại Thái Bình giai đoạn 2023-2025 đã đạt kết quả vượt kỳ vọng. Tính đến ngày 20/6, toàn tỉnh có 898/909 hộ người có công được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, tương đương 99,89% kế hoạch.
“Trong bối cảnh phải đồng thời thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính và chuẩn bị cho mùa mưa bão, Thái Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức thi đua “300 ngày chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát”, qua đó đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Đề án trước thời hạn gần 100 ngày”, ông Nghiêm cho biết.
Ngân sách tỉnh chủ động, xã hội hóa tích cực
Thực hiện Đề án, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 41 tỷ đồng, tương ứng mức 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa. Tuy nhiên, tỉnh Thái Bình còn chủ động bố trí ngân sách địa phương bổ sung thêm 40 triệu đồng/hộ xây mới và 20 triệu đồng/hộ sửa chữa, nhằm nâng tổng mức hỗ trợ lên 100 triệu đồng và 50 triệu đồng, giúp các hộ cải thiện nhà ở kiên cố hơn.
Cùng với ngân sách, phong trào xã hội hóa cũng được đẩy mạnh. Sau lễ phát động thi đua “300 ngày chung tay”, tỉnh huy động được hơn 61,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh – vượt 43% so với mức đăng ký ban đầu. Nhiều địa phương còn vận động thêm 3.246 ngày công, hơn 1,2 tỷ đồng nguyên vật liệu xây dựng, và gần 77 tỷ đồng từ thân nhân, dòng họ của các hộ.
Việc rà soát, thẩm định đối tượng hỗ trợ được thực hiện dân chủ, công khai và đúng quy định. Các hộ được hỗ trợ đều đáp ứng tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Các cơ quan chức năng đã thành lập các tổ công tác xuống từng hộ để kiểm tra thực trạng, đảm bảo tính chính xác trước khi giải ngân kinh phí.
Đến giữa tháng 6, toàn bộ kinh phí đã được giải ngân đến cấp xã. Trong đó, 794 hộ đã được cấp phát kinh phí, số còn lại đang hoàn tất hồ sơ thanh quyết toán. Riêng 11 hộ không còn nhu cầu hoặc không đủ điều kiện, Ban Chỉ đạo đã lập biên bản, thống nhất nguyên nhân không triển khai.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân (Ảnh: TB).
Lan tỏa tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa”
Việc hoàn thành Đề án không chỉ là kết quả về mặt vật chất mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hàng nghìn căn nhà mới đã giúp người có công và thân nhân liệt sỹ ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế. Đồng thời, việc làm này cũng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá đây là một trong những hoạt động nổi bật, thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với gia đình chính sách.
“Kết quả này không chỉ ấm lòng người được thụ hưởng mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nghiêm khẳng định.
Từ kết quả đạt được, tỉnh Thái Bình kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tiếp tục duy trì và mở rộng chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công trong các giai đoạn tiếp theo. Trong đó, cần xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp với giá cả vật liệu xây dựng và nhân công hiện nay, đồng thời cấp bổ sung kinh phí Trung ương để địa phương hoàn tất các đợt hỗ trợ còn lại theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg.