
Thiếu tướng Withai Laithomya – người phát ngôn Quân đội Hoàng gia Thái Lan và Trung tướng Maly Socheata – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia – Ảnh: The Nation
Theo tờ Khmer Times sáng 28-7, Bộ Quốc phòng Campuchia đã cáo buộc lực lượng Thái Lan tiếp tục các cuộc tấn công, đồng thời sử dụng vũ khí hóa học tại nhiều điểm nóng dọc biên giới, bất chấp các cuộc thảo luận ngừng bắn đang chuẩn bị diễn ra tại Malaysia.
Campuchia cáo buộc Thái Lan dùng khí độc
Phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay, Trung tướng Maly Socheata – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia – cho biết quân đội Thái đã mở các đợt tấn công vào khu vực Ta Moan Thom và Ta Krabei từ 3h sáng đến 5h sáng nay, với mục tiêu giành quyền kiểm soát chùa Wat Keo Kiri Svarak và mở rộng chiến sự ở các khu vực Chub Koki, Thmor Don, Veal Intry, Samaki, Ta Thav và An Ses.
Đáng chú ý, bà Socheata cũng cáo buộc Thái Lan sử dụng khí độc từ máy bay chiến đấu để tấn công các khu vực như An Ses và Phnom Kmoach.
Ngoài ra bà cũng bác bỏ hoàn toàn cáo buộc từ phía quân đội Thái rằng Campuchia đã bắn tên lửa tầm xa PHL-03 vào lãnh thổ Thái, gọi đây là những tuyên bố “vô căn cứ, sai lệch và có chủ đích”.
Quân đội Thái Lan lên án “thông tin bịa đặt” từ phía Campuchia
Ngay sau phát ngôn từ phía Campuchia, Thiếu tướng Withai Laithomya – đại diện quân đội Thái Lan, đã lên tiếng bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc từ Trung tướng Maly Socheata.
Thiếu tướng Withai gọi những cáo buộc của bà Socheata là “hoàn toàn sai sự thật và vô căn cứ”, đồng thời tố Phnom Penh đang cố tình đánh lạc hướng dư luận quốc tế khỏi thực tế rằng Campuchia mới là bên khơi mào xung đột.
Quân đội Thái Lan cũng lên án các cuộc tấn công mà họ cho là do Campuchia thực hiện nhằm vào dân thường Thái Lan, gọi đó là “hành vi man rợ và phi nhân đạo”.
Phía Thái Lan khẳng định nước này có quyền chính đáng trong việc bảo vệ chủ quyền và an toàn của công dân trước các hành động leo thang từ phía Campuchia.
Đồng thời Bangkok cũng nhận định các hành động gần đây của Chính phủ Campuchia cho thấy rõ sự thiếu thiện chí trong việc giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh đàm phán ngừng bắn sắp diễn ra.