Bóng cười gây tổn thương vỏ não
Bác sĩ Nguyễn Phú Quốc, Phụ trách Phó khoa Nội thận – Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115, thông tin bóng cười là tên gọi dân gian của khí Nitrous Oxide (N₂O), một loại khí không màu, có mùi ngọt nhẹ, được sử dụng hợp pháp trong nha khoa và sản khoa như một chất gây mê nhẹ. Tuy nhiên, khi được sử dụng với mục đích giải trí, N₂O trở thành một chất gây ảo giác cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt khi được hít trực tiếp với liều cao hoặc trong không gian kín.



Bóng cười bán tại một bar ở khu vực Q.1 cũ (TP.HCM)
ẢNH: THANH NIÊN
Về mặt cơ chế, khí N₂O làm bất hoạt enzym methionine synthase, gây ức chế tổng hợp DNA và ảnh hưởng đến quá trình tạo myelin trong thần kinh ngoại biên và trung ương. Kết quả là người sử dụng có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh như dị cảm, yếu chi, mất thăng bằng, suy giảm trí nhớ, thậm chí thoái hóa tủy sau bên trên MRI (hình ảnh chụp cộng hưởng từ).
Ngoài ra, khí N₂O còn có thể gây rối loạn tâm thần cấp tính (ảo thanh, hoang tưởng, trạng thái kích động hoặc mê sảng), suy hô hấp và ngưng tim do thay thế ô xy trong phế nang hoặc do ức chế trung tâm hô hấp khi dùng liều cao. Rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột tử khi kết hợp với các chất kích thích khác như rượu, cocaine, ketamine… Tác động lên hệ tạo máu, thiếu máu đại bào không tái sinh do ức chế hấp thu vitamin B12.
Theo bác sĩ Nguyễn Phú Quốc, các ca bệnh được ghi nhận tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhân dân 115 đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp. Đặc biệt đáng báo động là sự gia tăng tỷ lệ người nước ngoài, khách du lịch, người lao động, sinh viên, học sinh trở thành nạn nhân do thiếu hiểu biết và chủ quan về hậu quả sức khỏe.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, chuyên gia về chất gây nghiện, cũng cho biết nếu lạm dụng bóng cười thì sẽ sa vào nghiện ngập, mất năng suất làm việc, mất việc làm, phạm pháp để có tiền sử dụng bóng cười. Bên cạnh đó, bóng cười ngoài bị tổn hại thần kinh ngoại biên, thì còn bị tác động thần kinh trung ương nên ít nhiều gây tổn thương vỏ não – là loại tổn thương không hồi phục. “Khí cười hít vào tưởng vô hại, nhưng là khởi đầu của mọi tình trạng nghiện các chất gây nghiện khác do nhu cầu “nâng cấp” độ phê, cũng như sự khích tướng từ bạn bè cùng chơi”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển nói.
Tác hại khủng khiếp của thuốc lá điện tử
Về tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT), Th.S-BS Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện không có nghiên cứu nào cho thấy TLĐT ít hại hơn so với thuốc lá điếu. Nhà sản xuất thuốc lá cho rằng các loại hóa chất có trong TLĐT ít hơn so với thuốc lá truyền thống. Điều này không đồng nghĩa với ít hại hơn.

Thuốc lá điện tử được giao tận nơi ở TP.HCM trong vòng 30 phút
ẢNH: THANH NIÊN
Báo cáo tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng (TLNN) ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của TLNN”. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này.
Theo WHO, TLĐT là sản phẩm có hệ thống phân phối điện tử (e-cigarette) dạng thiết bị hay tách riêng các bộ phận, được thiết kế không cháy mà chỉ làm hóa hơi dung dịch mà người dùng hít vào. Dung dịch này có thể chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, cùng các chất độc hại khác… Sử dụng TLĐT dẫn đến hít phải một loạt các hóa chất nêu trên, gây hại cho người sử dụng và người xung quanh.
Các tác hại liên quan đến sức khỏe bao gồm các tác hại cấp tính và lâu dài. Cụ thể, hút TLĐT có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp có thể dẫn đến tử vong (EVALI), bị thương và bỏng do nổ pin và cháy thiết bị và ngộ độc do quá liều nicotine và ngộ độc các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch TLĐT.
TLĐT chứa nicotine – chất gây nghiện mạnh, có hại cho sự phát triển não bộ thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Nicotine ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các khớp thần kinh (Synapse), gây ra vấn đề về trí nhớ, tập trung, học tập, tự chủ và rối loạn tâm trạng. Hậu quả lâu dài nghiêm trọng bao gồm nghiện, có thể dẫn đến rối loạn nhận thức, cảm xúc, giảm khả năng tập trung, học tập; liên quan đến các rối loạn tâm thần.
Gây hại cho hô hấp, WHO khẳng định việc sử dụng TLĐT có liên quan độc lập với bệnh hô hấp ở người. Hút TLĐT có liên quan đến: suy giảm/rối loạn chức năng phổi, sức cản đường thở/hô hấp tăng, triệu chứng hô hấp (thở khò khè, thở rít trong ngực, khó thở), kích ứng họng và miệng, ho. Làm nặng thêm các rối loạn hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Do hạn chế về thời gian, các nghiên cứu về ảnh hưởng TLĐT đối với hệ tim mạch ở người giới hạn ở những tác động ngắn hạn, nhưng ngày càng có thêm bằng chứng chứng minh rằng sử dụng TLĐT gây tác hại lâu dài đến chức năng tim mạch. Theo đó, gây giảm chức năng nội mô, nguy cơ huyết khối và xơ vữa động mạch, viêm, thay đổi phân tử, stress ô xy hóa và rối loạn chức năng mạch máu, giảm hoạt động của dây thần kinh giao cảm.
Đặc biệt, TLĐT làm tăng kháng thuốc khi điều trị ung thư đầu, cổ và miệng, tổn thương DNA tế bào miệng, tăng các chất gây ung thư tiết niệu tiềm năng như crotonaldehyde và benzen, liên quan đến ung thư bàng quang.
Hút TLĐT có liên quan đến bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác, tổn thương niêm mạc miệng, nhiễm trùng; miễn dịch của cấy ghép răng, mất xương ở người cấy ghép răng; gây kích ứng ở miệng, mảng bám ở miệng
Hút TLĐT có liên quan các nguy cơ nguy hiểm cho thai nhi, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì ở trẻ em, giãn phế quản ở trẻ sơ sinh.
Các vấn đề sức khỏe khác mà hút TLĐT có liên quan bao gồm đau đầu, ho, mất ngủ, suy nhược, đau ngực ở người sử dụng là người trẻ tuổi; kích ứng cổ họng, ho, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn; trầm cảm, lo âu, bốc đồng. Người dùng kép gặp khó ngủ hơn người không hút thuốc lá điếu/TLĐT. Ngoài tác hại về sức khỏe, TLĐT, TLNN còn gây tác hại đến môi trường, kinh tế và hậu quả xã hội.