Tham vọng cải tổ cộng đồng tình báo Mỹ của ông Trump

Tham vọng cải tổ cộng đồng tình báo Mỹ của ông Trump

bởi

trong

Chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực tái cấu trúc cộng đồng tình báo Mỹ, vốn bị cho là quá cồng kềnh và thiếu kiểm soát trong thời gian dài.

“Chúng ta sẽ dọn dẹp tất cả yếu tố tham nhũng, tha hóa khỏi các cơ quan tình báo và an ninh quốc gia, vốn đang đầy rẫy”, ông Donald Trump tuyên bố vào tháng 12/2024, sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai. “Các cơ quan an ninh, tình báo đã bị vũ khí hóa sẽ trải qua quá trình cải tổ toàn diện”.

Vài tháng sau, quá trình cải tổ đó dường như đã bắt đầu. Các cố vấn của Tổng thống Trump đã đề nghị quốc hội cắt giảm 585 triệu USD ngân sách của Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Phòng chống Tội phạm Ma túy (DEA) và một số đơn vị khác của Bộ Tư pháp.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm ngân sách dành cho các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ bị cắt giảm trong đề xuất ngân sách thường niên. Tổng thống Mỹ cũng dự định cắt giảm 1.200 nhân sự của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) trong vài năm tới.





Tham vọng cải tổ cộng đồng tình báo Mỹ của ông Trump

Tổng thống Donald Trump tại Đồi Capitol ngày 20/1. Ảnh: AFP

Theo bình luận viên Andrew Mitrovica của Al Jazeera, người đã nhiều năm nghiên cứu về cộng đồng tình báo Mỹ, đây là những phát súng mở đầu trong nỗ lực của ông Trump nhằm “ghìm cương” cộng đồng tình báo Mỹ (USIC), vốn đã tích lũy nhiều quyền lực, sở hữu nguồn ngân sách khổng lồ nhưng thiếu các biện pháp kiểm soát cần thiết.

USIC là liên minh gồm 18 cơ quan, bao gồm các tổ chức nổi tiếng như CIA, FBI, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DNI)… Cộng đồng này đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, phân tích, cung cấp thông tin tình báo để hỗ trợ đưa ra những quyết sách về an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thuộc USIC. Để khắc phục tình trạng này, quốc hội Mỹ năm 2004 thông qua Đạo luật Cải cách Tình báo và Phòng chống Khủng bố (IRTPA), thành lập Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI).

ODNI được giao nhiệm vụ điều phối hoạt động của cộng đồng tình báo, đồng thời đóng vai trò là “cầu nối” giữa các cơ quan thành viên và Tổng thống. Tuy nhiên, sau 20 năm ODNI hoạt động, chính quyền Trump cho rằng cơ quan này chưa thực sự đạt được hiệu quả kỳ vọng, chồng chéo chức năng và thiếu sự thống nhất trong chiến lược, trong bối cảnh Mỹ đối mặt với mối đe dọa mới như chiến tranh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và sự trỗi dậy của các đối thủ ngang hàng.

Trong bối cảnh này, các cố vấn của ông Trump nhận thấy đây là thời cơ chiến lược để thực hiện cải tổ sâu rộng nhằm tái cấu trúc cộng đồng tình báo, đối phó với các mối đe dọa mới nổi.

Charlie Edwards, cố vấn cấp cao về chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại London, Anh, cho rằng kế hoạch cải tổ USIC của ông Trump có thể tập trung vào ba trụ cột chính, gồm tái cấu trúc tổ chức, vai trò của ODNI, tăng cường ứng dụng công nghệ và điều chỉnh ưu tiên chiến lược.

Về tái cấu trúc tổ chức và vai trò của ODNI, một số cố vấn Nhà Trắng cho rằng cần trao thêm quyền lực cho cơ quan này để đảm bảo các thành viên trong cộng đồng như CIA, NSA và DIA hoạt động theo một chiến lược thống nhất.

ODNI cũng cần đóng vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo các cơ quan tình báo tuân thủ luật pháp và minh bạch với quốc hội, nhằm xây dựng lại niềm tin của công chúng.

Trong thời gian dài, các cơ quan tình báo Mỹ gần như được tự do hoạt động mà không chịu sự giám sát của báo chí hay giải trình trước quốc hội, với lý do đảm bảo bí mật và an ninh quốc gia. Các bê bối của tình báo Mỹ thường chỉ được công bố bởi những “người thổi còi” rò rỉ thông tin từ bên trong.

Một số cố vấn Nhà Trắng đã đề xuất giảm số lượng cơ quan tình báo hoặc sáp nhập các đơn vị để tinh gọn bộ máy. Một số chức năng của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) có thể được hợp nhất nhằm tránh lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, việc thực hiện những thay đổi này sẽ không dễ dàng, vì mỗi cơ quan đều có cách thức tổ chức riêng và thường phản đối việc mất quyền tự chủ.

Tổng thống Trump cũng có thể tìm cách thay đổi cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan tình báo, ưu tiên những người trung thành với quan điểm, tầm nhìn của ông, sẵn sàng thúc đẩy các cải cách táo bạo. Ông đã chọn hai người trung thành là Tulsi Gabbard làm Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) và Kash Patel làm Giám đốc FBI. Tuy nhiên, động thái này có nguy cơ gây ra sự bất ổn trong nội bộ cộng đồng tình báo, đặc biệt nếu các lãnh đạo mới thiếu kinh nghiệm về an ninh quốc gia.





Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard (giữa) cùng Giám đốc FBI Kash Patel (trái) và Giám đốc CIA John Ratcliffe tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hôm 25/3. Ảnh: AP

Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard (giữa) cùng Giám đốc FBI Kash Patel (trái) và Giám đốc CIA John Ratcliffe tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hôm 25/3. Ảnh: AP

Edwards còn cho rằng chính quyền Trump sẽ thúc đẩy USIC tăng cường ứng dụng công nghệ, tận dụng các tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), dữ liệu lớn (big data) để nâng cao hiệu quả thu thập và phân tích thông tin tình báo cũng như điều phối hành động.

Các cố vấn của Tổng thống Trump nhận thấy rằng Mỹ đang có phần tụt hậu so với Trung Quốc trong việc ứng dụng AI vào các hoạt động tình báo như phân tích hình ảnh vệ tinh, giám sát mạng, và dự đoán các mối đe dọa.

Một phần của kế hoạch cải tổ có thể gồm đầu tư mạnh vào các công nghệ mới. Ví dụ, Cơ quan Tình báo Không gian Quốc gia (NGA) đã sử dụng AI trong Hệ thống Xử lý Tự động Hàng hải Nguồn (SMAPS) để phân tích dữ liệu từ các tàu thuyền, giúp tăng cường an toàn trên các tuyến đường thủy quốc tế.

Tương tự, Hệ thống Lưu trữ Nhanh Phân tích Hỗ trợ Máy (MARS) của DIA, dự kiến đạt khả năng vận hành đầy đủ vào 2025, sẽ giúp xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ một cách hiệu quả hơn.

Ông chủ Nhà Trắng có thể thúc đẩy việc mở rộng các chương trình như vậy, đồng thời khuyến khích hợp tác với khu vực tư nhân, nơi các công ty công nghệ như Google, Amazon và Microsoft dẫn đầu trong phát triển AI. Tuy nhiên, việc hợp tác này cũng đặt ra thách thức về bảo mật thông tin và nguy cơ rò rỉ dữ liệu nhạy cảm.

Bên cạnh đó, cộng đồng tình báo Mỹ cũng cần triển khai các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với khu vực tư nhân. Việc biệt phái sĩ quan tình báo sang công tác có kỳ hạn tại các công ty công nghệ như nhà cung cấp dịch vụ đám mây hoặc công ty AI có thể giúp họ hiểu rõ hơn về xu hướng công nghệ và xây dựng quan hệ đối tác công – tư.

Một trọng tâm lớn trong kế hoạch cải tổ của ông Trump là thay đổi ưu tiên chiến lược, tái cấu trúc cộng đồng tình báo để tập trung vào “mối đe dọa” từ đối thủ cạnh tranh chiến lược là Trung Quốc.

Chính quyền Trump xác định Trung Quốc không chỉ là “đối thủ kinh tế” mà còn là “mối đe dọa lớn” về quân sự, công nghệ và tình báo. Các cố vấn của ông Trump cho rằng cộng đồng tình báo Mỹ cần chuyển từ việc tập trung vào các mối đe dọa truyền thống như chống khủng bố sang các vấn đề hiện đại hơn như gián điệp công nghiệp, chiến tranh mạng và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu này, ông Trump có thể yêu cầu các cơ quan tình báo tăng cường thu thập thông tin về các chương trình công nghệ của Trung Quốc như phát triển lượng tử và AI; tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về Trung Quốc với các đồng minh, đặc biệt là Nhóm Ngũ Nhãn (Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand).

Tuy nhiên, việc tập trung quá mức vào Trung Quốc có thể làm giảm nguồn lực dành cho các mối đe dọa khác. Điều này đòi hỏi Tổng thống Trump và đội ngũ của ông phải cân bằng giữa các ưu tiên chiến lược để đảm bảo an ninh quốc gia toàn diện.

Dù kế hoạch cải tổ của ông Trump có thể mang lại những thay đổi tích cực, nó cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trước hết, cộng đồng tình báo Mỹ là hệ sinh thái phức tạp với hàng chục nghìn nhân viên và hàng loạt cơ quan có lịch sử hoạt động lâu đời.

Các cơ quan như CIA và NSA thường có văn hóa tổ chức mạnh mẽ và không dễ chấp nhận thay đổi từ bên ngoài. Việc ông Trump bổ nhiệm các lãnh đạo mới hoặc thúc đẩy sáp nhập cơ quan có thể gây ra phản ứng mạnh từ các nhân viên kỳ cựu, dẫn đến sự bất ổn trong nội bộ, theo bình luận viên Mitrovica.

Ông Trump từng có quan hệ căng thẳng với cộng đồng tình báo Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên, đặc biệt liên quan đến các tranh cãi về can thiệp bầu cử của Nga. Nếu ông tiếp tục chỉ trích, làm mất lòng tin của các nhân viên tình báo, điều này có thể làm suy yếu tinh thần làm việc và hiệu quả của toàn bộ hệ thống.

Ngoài ra, nếu Tổng thống Mỹ tiếp tục thúc đẩy bổ nhiệm những người trung thành vào vị trí lãnh đạo các cơ quan an ninh quốc gia, kế hoạch cải tổ đầy tham vọng của ông có thể bị xem là nỗ lực “chính trị hóa” cộng đồng tình báo, theo Edwards.

Điều này có thể làm mất lòng tin của quốc hội và công chúng, vốn đã lo ngại về tình trạng lạm dụng quyền lực trong các cơ quan an ninh quốc gia. Khi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào năm 2026, các đối thủ chính trị của Tổng thống Trump có thể tận dụng bất kỳ sai lầm nào trong quá trình cải tổ USIC để chỉ trích ông.

Nếu các thay đổi như vậy dẫn đến thất bại trong ngăn chặn một âm mưu tấn công mạng hoặc khủng bố, ông Trump sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị lớn.

Dù Tổng thống Trump muốn đầu tư mạnh vào công nghệ và nhân sự, ngân sách dành cho cộng đồng tình báo không phải là vô hạn. Theo các báo cáo của IISS, đầu tư của chính phủ Mỹ vào AI chỉ chiếm một phần nhỏ so với khu vực tư nhân, trong khi Trung Quốc đang chi hàng trăm tỷ USD cho các chương trình tương tự. Để cạnh tranh, ông Trump cần thuyết phục quốc hội phân bổ thêm ngân sách, điều không dễ dàng trong bối cảnh nợ công Mỹ đang tăng cao.

Ngoài ra, USIC cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ lượng tử và AI. Theo Viện Tư vấn Toàn cầu McKinsey, đến năm 2025, chỉ dưới 50% các vị trí liên quan đến lượng tử sẽ được lấp đầy do thiếu ứng viên đủ trình độ chuyên môn. Do đó, Tổng thống Trump sẽ cần xây dựng các chương trình đào tạo và tuyển dụng mới để giải quyết vấn đề này.

“Ông Trump đang đứng trước cơ hội lịch sử để tái cấu trúc cộng đồng tình báo Mỹ, biến nó thành lực lượng linh hoạt, hiệu quả, sẵn sàng đối mặt với các thách thức của thế kỷ 21”, chuyên gia Edwards nhận định. “Tuy nhiên, tham vọng này thành công đến đâu sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc đội ngũ của ông Trump sẽ đảm bảo các nguồn lực cần thiết và vượt qua được bất đồng nội bộ thế nào”.

Phong Lâm (Theo Al Jazeera, Strategist, IISS)